Những thời khắc cuối cùng của COP 21 diễn ra hết sức căng thẳng, khi mà các cuộc đàm phán kéo dài thâu đêm và các bên đều nỗ lực song chưa thể chắc chắn bản thỏa thuận cuối cùng liệu có được đánh giá là một bước tiến lịch sử hay không.

Những cuộc thương lượng thâu đêm, người người có mặt đông đảo và mệt mỏi tại các phòng họp; nằm dài trên các ghế nghỉ tạm ở trung tâm hội nghị; các thời hạn công bố thỏa thuận bị lùi lại từ hôm qua cho tới hôm nay và cho đến hôm nay (12/12), thời hạn giới thiệu bản chỉnh sửa cuối cùng của dự thảo thỏa thuận đến với các trưởng đoàn cũng lùi lại từ 9h sáng đến 11h30 (giờ Pháp) với lý do trục trặc kỹ thuật trong khâu in ấn và dịch văn bản ra 6 ngôn ngữ của LHQ.

Sau đó, các trưởng đoàn của 196 thành viên Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu sẽ phải thông qua tại phiên toàn thể bản dự thảo này để cho ra đời Thỏa thuận Paris.

cop_21_temh.jpg
Đại diện các quốc gia vẫn tiếp tục thảo luận cho đến khi một thỏa thuận cuối cùng đạt được

Đến thời điểm này, có thể chắc chắn rằng COP 21 sẽ cho ra đời thỏa thuận Paris – một thỏa thuận lịch sử thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020. Bởi nếu không đạt được một văn bản cuối cùng sau gần hai tuần họp thì sẽ là thất bại nặng nề không chỉ với COP 21 mà với toàn bộ nỗ lực chung của toàn cầu trước những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, văn bản này có đủ “ mạnh mẽ” và ràng buộc như hứa hẹn của nước chủ nhà Pháp ban đầu hay như kỳ vọng của thế giới hay không, điều đó chưa thể khẳng định!

Vẫn là ba vấn đề lớn gây tranh cãi suốt những ngày qua là: vấn đề huy động tài chính, sự khác biệt dẫn tới cam kết trách nhiệm khác nhau giữa các nước và mức tham vọng trong mục tiêu của thỏa thuận là 2 hay 1.5 độ C. Và việc các quốc gia đều “cố thủ sau những tính toán lợi ích riêng” đã gây khó khăn, trì hoãn và thậm chí bế tắc cho quá trình thương lượng.

Phải nói rằng bản dự thảo mà nước chủ nhà Pháp đưa ra có nhiều điểm tham vọng, nói như một số chuyên gia rằng đây như một canh  bạc với nước chủ nhà Pháp. Có điểm mới đáng chú ý là dự thảo thỏa thuận nêu việc cho phép các nước đang phát triển có thể đạt ngưỡng khí thải theo cam kết chậm hơn so với các nước công nghiệp phát triển; có thể là năm 2023 thay vì 2020; hay thậm chí có yêu cầu đẩy lên năm 2025.

Cho đến khi một thỏa thuận cuối cùng gần như đã đạt được, nhiều câu hỏi vẫn còn chưa có lời đáp. Rằng các mục tiêu dài hạn như thế nào để cho phép giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đảm bảo một nền kinh tế thải ít các-bon? Khi nào thì các mục tiêu cam kết của các quốc gia sẽ được xem xét và kiểm định và liệu đến lúc đó có thể chắc chắn đảm bảo sẽ đạt được mức nhiệt không tăng quá 2 độ C hay không ? Làm sao để đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện của các quốc gia ? Vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo chịu tác động nặng nề của biến đổi  khí hậu cũng đang bỏ ngỏ, khi mà không ai dám chắc mục tiêu 100 tỷ USD từ nay đến năm 2020 liệu có thành hiện thực ? Dù nước Mỹ mới tuyên bố tăng gấp đôi hỗ trợ so với năm 2014, tăng lên 860 triệu USD (so với 430 triệu), song con số này như muối bỏ bể.

Các quốc gia phát triển đòi hỏi các nước có mức sống được cải thiện hơn nhiều như các nước vùng Vịnh, Hàn Quốc, Brazil … cũng phải đóng góp thêm trách nhiệm.

Dù kết quả như thế nào, một thỏa thuận Paris ra đời đã là một bước tiến lớn sau nhiều năm các hội nghị COP không đạt được thỏa thuận. Ngoài ra, điểm sáng đáng chú ý của COP 21 là sự tham gia đông đảo của các tổ chức dân sự, phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp…

Đã có hàng nghìn cam kết cụ thể được đưa ra; hơn 70 sáng kiến lớn thu hút được sự tham gia của hơn 10.000 người từ 180 nước trên thế giới ; 1,24 tỷ người, tương đương 17% dân số thế giới, tham gia các cam kết và hơn 2.000 công ty lớn cũng tham gia cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu; hay việc hơn 700 thị trưởng các thành phố lớn trên khắp thế giới tụ họp ở Paris và cam kết giảm 3,7 gigaton lượng khí thải CO2 ra bầu khí quyển từ nay cho đến 2030 và tiến tới sử dụng 100% năng lượng xanh vào năm 2050./.