Các ca nhiễm đều được phát hiện tại thị trấn Mangina, tỉnh Bắc Kivu, nâng tổng số ca nhiễm mới Ebola hiện nay lên 21. Đầu tuần này, giới chức y tế Cộng hòa dân chủ Congo bắt đầu tiêm vaccine phòng chống Ebola cho nhân viên y tế và những người thường xuyên phải tiếp xúc với các ca nhiễm mới.

Vaccine này đang trong quá trình thử nghiệm do tập đoàn dược phẩm Merck của Mỹ sản xuất đã chứng minh hiệu quả phòng bệnh tại khu vực phía Tây nước này hồi tháng 7.

Vaccine mới có tên mAB114, lần đầu tiên được sử dụng trên bệnh nhân Ebola. Sử dụng kháng thể của một bệnh nhân đã sống sót sau khi mắc Ebola tại thành phố Kikwit, phía Tây nước này năm 1995, vaccine mới đã chứng minh 100% hiệu quả khi thí nghiệm trên khỉ.

dich_ebola_da_sua_fjci.jpg
Dịch Ebola ở Congo đặt các nước láng giềng vào tình trạng báo động. (Ảnh minh họa: theguardian.com)

Trước đó, ngày 1/8, Bộ Y tế Cộng hòa dân chủ Congo thông báo nước này đang đối mặt với đợt bùng phát Ebola thứ 10 kể từ năm 1976, trong đó đợt bùng phát tại khu vực Tây Bắc vừa mới được dập tắt vào cuối tháng 7/2018, đã làm 33 người tử vong.

Kể từ khi dịch Ebola bùng phát lần đầu tiên hồi tháng 5/2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các cơ quan quốc tế khác và Chính phủ Cộng hòa dân chủ Congo đã thực hiện các biện pháp có thể để ngăn chặn sự lan rộng của bệnh dịch. Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi Chính phủ Cộng hòa dân chủ Congo và tất cả các tổ chức quốc tế tham gia mạnh mẽ và tích cực để ngăn chặn sự lây lan cũng như hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của dịch bệnh chết người này./.