Ngày 25/9, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey cho biết, cơ quan này đã xác định được danh tính của tay súng phiến quân Nhà nước Hồi giáo chặt đầu 2 nhà báo Mỹ.

Trong khi đó, liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu đang ngày càng lớn mạnh và giành được những thành công nhất định trong chiến dịch không kích ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, vẫn còn quá sớm để lạc quan về một chiến thắng trước chủ nghĩa khủng bố cực đoan này.

al_john_kirby_2309e_mmnn.jpgNgười phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby (AFP)

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey từ chối tiết lộ tên cũng như quốc tịch của tay súng Nhà nước Hồi giáo chặt đầu các con tin người nước ngoài thời gian qua.

Tuy nhiên, một nguồn tin chính phủ châu Âu thân cận với cuộc điều tra này cho biết, giọng nói trong đoạn băng hành quyết con tin cho thấy, thủ phạm thuộc một cộng đồng nhập cư từ châu Á đến thủ đô London của Anh.

Một số đặc điểm khác của thủ phạm là thuận tay trái và có ngoại hình trung bình. Cũng dựa vào cách biên tập của đoạn băng ghi hình vụ chặt đầu mà các điều tra viên quốc tế cho rằng, ngoài tay súng bịt mặt xuất hiện trong đoạn băng còn có những người khác tham gia vào vụ hành quyết dã man này.

Trong khi đó, ngày 25/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, các cuộc không kích gần đây nhằm vào một số cơ sở lọc dầu ở miền Đông Syria do nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng kiểm soát đã thành công.

Tuy nhiên, ông Kirby cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định liên minh quốc tế đang giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân này.

Ông Kirby cho biết: “Cuộc chiến này sẽ phải mất nhiều thời gian. Đây không phải là một nỗ lực ngắn hạn và bất cứ ai cũng phải tỉnh táo để nhìn rõ những thách thức trước mắt chúng ta. Nếu các bạn hỏi làm thế nào để biết chúng ta có chiến thắng hay không thì câu trả lời của tôi là điều này sẽ phải mất một thời gian.

Vì thậm chí ngay sau khi tiến hành các cuộc tấn công hay bị tấn công, chúng vẫn có nguồn tiền tài trợ và rất nhiều tình nguyện viên cùng với vũ khí và xe cộ, đồng thời vẫn kiểm soát một diện tích lãnh thổ rộng lớn ở Iraq”.

Quan chức an ninh Mỹ cho biết, hiện có 12 công dân nước này được cho là đã tham gia các nhóm phiến quân ở Syria, trong đó có một số người đã trở về Mỹ. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ, những kẻ khủng bố tại Syria có thể vẫn đang âm mưu tấn công phương Tây, và chưa có dấu hiệu cho thấy các cuộc không kích của Mỹ trong vài ngày qua phá vỡ kế hoạch tấn công khủng bố của chúng.

Ngày 26/9, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, ông vừa được báo cáo về âm mưu khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo nhằm vào các ga tàu điện ngầm ở Mỹ và Pháp. Ông Abadi cho biết, một số tay súng tham gia âm mưu này lại chính là người Mỹ và Pháp.

Hãng tin BBC của Anh thì dẫn số liệu mới nhất từ cơ quan chống khủng bố châu Âu cho biết, số lượng công dân châu Âu tham gia nhóm Nhà nước hồi giáo tại Iraq và Syria đã lên đến hơn 3.000 người, tăng 1.000 người so với báo cáo hồi đầu năm nay.

Trưởng điều phối hoạt động chống khủng bố châu Âu, Ông Gilles de Kerchove cho rằng, việc thông báo thành lập Nhà nước Hồi giáo hồi tháng 6 đã giúp nhóm phiến quân này thu hút thêm thành viên.

Ông Gilles de Kerchove cũng cảnh báo, các cuộc không kích của liên minh do Mỹ cầm đầu sẽ làm tăng khả năng Nhà nước Hồi giáo tấn công trở lại châu Âu và Pháp là nước có nguy cơ bị trả thù cao nhất.

Một trong những điều nguy hiểm nhất từ nhóm Nhà nước Hồi giáo là nó khuyến khích sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố cực đoan ở nhiều nơi trên thế giới và lây lan mạnh mẽ như một thứ bệnh dịch. Trưởng điều phối hoạt động chống khủng bố châu Âu

Ông Gilles de Kerchove cho biết: “Không chỉ có nhóm Nhà nước Hồi giáo mà còn có những tổ chức khủng bố cạnh tranh khác như Al-Qaeda hay một nhánh của mạng lưới này là Mặt trận Al-Nusra cũng sẽ gia tăng hoạt động nhằm khẳng định vị trí của mình”.

Trong 1 diễn biến cho thấy nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng đang tạo ra 1 “liên minh ma quỷ” đối chọi với liên minh của Mỹ, phiến quân Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda vừa công bố đoạn băng đe dọa sẽ giết 2 con tin người Đức bị chúng bắt giữ hồi tháng 4 nếu Berlin tiếp tục ủng hộ Washington trong cuộc chiến này.

Abu Sayyaf cũng đòi 5,6 triệu USD tiền chuộc nếu không sẽ chặt đầu 2 con tin người Đức này vào ngày 10/10 tới.

Giới chức Philippines đang xem xét tính xác thực của lời đe dọa trên song cho rằng nhóm phiến quân này sẽ không hành động như Nhà nước Hồi giáo tự xưng vì các con tin được coi là lá chắn sống của chúng trước các cuộc truy quét của quân đội.

Tỉnh trưởng tỉnh Sulu Abdusakur Tan cho biết, Philippines vẫn chưa xác minh được những thông tin rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo đang tuyển quân ở đây song cho rằng điều đó “không khó tưởng tượng”.

Các quan chức an ninh Philippines nghi ngờ về mối liên hệ thật sự giữa Abu Sayyaf và nhóm Nhà nước Hồi giáo vì cho rằng phiến quân ở Philippines đang trong giai đoạn thoái trào và muốn “đánh bóng” lại tên tuổi bằng cách liên hệ với tổ chức khủng bố sừng sỏ nhất thế giới hiện nay.

Giáo sư Rommel Banlaoi thuộc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines nhận định, dù có liên hệ trực tiếp hay chỉ là “kẻ bắt chước” thì điều đáng lo ngại là từ cách công bố đoạn băng ghi hình đe dọa đến thông điệp của Abu Sayyaf có thể thấy tư tưởng cực đoạn của nhóm phiến quân này đang được hồi sinh bằng hành động man rợ của nhóm Nhà nước Hồi giáo./.