Ngày 24/9, Mỹ phối hợp với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tiếp tục tiến hành các trận không kích nhằm vào các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Cùng ngày, tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Obama cũng chủ trì một cuộc họp nhằm thông qua nghị quyết chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. 

air_strikes_oemk_cdyx.jpgMáy bay Mỹ không kích IS tại Iraq (Ảnh Jpupdates)

Trong một thông báo, Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby cho biết, đợt không kích mới nhất của Mỹ vào ngày 24/9 tập trung vào 12 mục tiêu ở Đông Syria, nơi các phần tử cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo kiểm soát những nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ.

Theo đó, các máy bay của liên minh đã tấn công bằng tên lửa dẫn đường chính xác, đồng thời xác nhận máy bay của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã tham gia vào đợt oanh kích mới nhất kể trên. Các cuộc tấn công này đã phá hủy 2 xe vũ trang của nhóm Nhà nước Hồi giáo, 8 phương tiện vận tải, 1 kho vũ khí và 1 số cứ điểm.

Cuộc không kích vẫn còn “nóng hổi” của Mỹ và đồng minh tại Syria cũng là chủ đề chính trong một cuộc họp của Đại hội đồng tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào ngày 24/9 (giờ Mỹ). Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong số những người phát biểu đầu tiên.

Tại cuộc họp, ông Obama hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới cùng tham gia nỗ lực để “làm suy yếu và tiêu diệt” nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cho rằng nhóm vũ trang này đã và đang gieo rắc nỗi kinh hoàng khủng bố đối với người dân vô tội ở Iraq và Syria với những vụ chặt đầu, bắn giết trẻ em, ném xác người vào những hố chôn tập thể và gây đói khát cho tín đồ của các nhóm tôn giáo thiểu số.

Người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi cộng đồng thế giới, đặc biệt là các cộng đồng người Hồi giáo, hãy mạnh mẽ bác bỏ tư tưởng chủ chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo và al-Qeada: “Không tranh luận, không thương lượng với loại tội ác này. Vũ lực là ngôn ngữ duy nhất mà các phiến quân Hồi giáo hiểu được, những kẻ tham gia mạng lưới của chúng cần nhanh chóng rời khỏi chiến trường khi còn có thể. Mỹ sẽ hợp tác với một liên minh rộng rãi để phá vỡ mạng lưới chết chóc này. Mỹ không có ý định gửi quân đến chiến trường  thay vào đó sẽ hỗ trợ người dân Iraq và Syria đấu tranh để đòi lại lãnh thổ. Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo”.

Sau đó, ông Obama cũng chủ trì một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an nhằm thông qua một dự thảo nghị quyết ngăn chặn làn sóng tay súng nước ngoài tới Iraq và Syria. Theo dự thảo do Mỹ soạn thảo, các nước được yêu cầu thông qua luật coi việc gia nhập cuộc thánh chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria là một tội nghiêm trọng. Nghị quyết kêu gọi mọi quốc gia ngăn chặn và cấm tuyển mộ cũng như mọi hình thức hỗ trợ các tay súng nước ngoài, đồng thời coi việc gây quỹ hay thu xếp chuyện đi lại cho các tay súng này là phạm pháp. Nghị quyết này đã được các nước nhất trí thông qua.

Còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đang trỗi dậy, thế giới cần phải cảnh giác: “Chúng ta cần cảnh giác với chủ nghĩa khủng bố bởi tại thời điểm hiện tại, chủ nghĩa khủng bố đang hồi sinh và đe dọa tới hòa bình của thế giới. Xung đột ở Trung Đông thu hút những kẻ khủng bố và cực đoan từ khắp nơi trên thế giới lao vào một cuộc chiến hận thù”.

Liên quan đến cuộc chiến của Mỹ nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan, ngày 24/9, Bộ Quốc phòng Bỉ cho biết nước này sẽ điều 6 máy bay chiến đấu F-16 cùng 120 phi công và nhân viên hỗ trợ tham gia liên minh chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq do Mỹ đứng đầu, đồng thời điều các máy bay vận tải C-130 để vận chuyển binh sĩ và khí tài quân sự tới Iraq.

Cùng ngày, Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ triển khai 6 máy bay F-16 để hỗ trợ các cuộc không kích do Mỹ chỉ huy nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Ngoài ra, nước này sẽ tiến hành các chuyến bay trên không phận Iraq, đồng thời giúp huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng quân sự của Iraq và người Kurd trong thời gian tối đa 1 năm.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, Quốc hội nước này sẽ họp bất thường vào ngày 26/9 để thảo luận khả năng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Phát biểu bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Thủ tướng Anh đã tỏ rõ rằng một liên minh toàn cầu là cần thiết để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ông David Cameron cho hay: “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhận được yêu cầu từ Chính phủ Iraq để hỗ trợ nước này chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Vì vậy chúng ta có cơ sở luật pháp quốc tế rõ ràngđể hành động và nước Anh có nhu cầu hành động vì lợi ích quốc gia nhằm bảo vệ người dân và xã hội Anh. Thông điệp của tôi hôm nay rất đơn giản: chúng ta đang phải đối mặt với một tội ác mà cả thế giới đang đoàn kết để chống lại và hơn bao giờ hết vì tự do, dân chủ và công bằng, Anh sẽ đóng một phần trong chiến dịch này”.

Trên bình diện quốc tế, cuộc không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo của Mỹ và đồng minh trên lãnh thổ Syria, dẫu mang lại hy vọng cho nhiều sắc tộc đang bị nhóm Nhà nước Hồi giáo truy sát nhưng đồng thời cũng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở các khu vực phía Đông và phía Bắc Syria đã châm ngòi cho một chiến dịch khó có thể chớp nhoáng của liên minh quốc tế nhằm đánh bại tổ chức này.

Một thách thức mới đã đặt ra cho nước Mỹ: Không kích sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề nếu thiếu vắng bộ binh tại thực địa. Đây rõ ràng là một bài toán khó không chỉ với Tổng thống Obama mà còn với cả các đồng minh tham gia vào chiến dịch đầy thử thách này./.