Sau hơn 15 năm đàm phán, Chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ngày 7/10, đã đạt được một thỏa thuận hòa bình cho khu vực miền Nam bất ổn. Thoả thuận này làm dấy lên hy vọng sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 40 năm qua, làm hơn 150.000 người thiệt mạng và làm tê liệt nền kinh tế khu vực này. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, thỏa thuận này chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường hòa bình còn đầy thử thách của Philippines.

Ngay sau khi đàm phán kết thúc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino thông báo “đây là bước đột phá” trong tiến trình hòa bình. Dự kiến, lễ ký kết thỏa thuận sơ bộ sẽ diễn ra tại thủ đô Manila vào ngày 15/10 tới dưới sự chứng kiến của Tổng thống Benigno Aquino và Thủ tướng Malaysia. Ông Benigno Aquino nhấn mạnh, Philippines sẽ vẫn là một quốc gia, một dân tộc, với tất cả sự đa dạng văn hóa, cùng nhau tiến tới một mục tiêu chung.

philippines-1.jpg
Tổng thống Philippines Benigno Aquino phát biểu trên truyền hình  về việc Chính phủ Philippines và Mặt trận MILF ngày 7/10 đạt được một thỏa thuận hòa bình cho khu vực miền Nam (Ảnh: Reuters)

Đại sứ quán Mỹ và Nhật Bản tại Philippines đều ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận này. Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas bày tỏ hi vọng, thỏa thuận được ký sớm sẽ giúp mang lại hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho vùng đất Mindanao. Trung tâm Đối thoại nhân đạo (HD) - một tổ chức trung gian hòa giải độc lập, có trụ sở tại thành phố Geneva (Thụy Sỹ), trong thông cáo báo chí hôm 7/10 cũng hoan nghênh và đánh giá cao kết quả đạt được giữa Chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, sẽ mở ra một chương mới cho người dân trên đảo Mindanao cũng như hòa bình, ổn định cho Philippines.

Thoả thuận hòa bình vừa đạt được không chỉ là kết quả của 15 năm đàm phán với không ít lần thất bại và bế tắc tưởng chừng khiến nó bị đổ vỡ, mà còn chấm dứt cuộc xung đột tôn giáo dai dẳng hơn 40 năm nay ở Philippines. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cảnh báo, con đường hòa bình của Philippines vẫn còn không ít thách thức. Người đứng đầu Ủy ban các mối quan hệ quốc tế của Thượng Viện Philippines Loren Legarda cho rằng, tất cả các bên liên quan cần phải tham gia vào việc thành lập thỏa thuận cuối cùng, đảm bảo quyền tự trị của người dân thuộc “Nhà nước Bangsamoro” sẽ vẫn nằm trong chủ quyền quốc gia.

Bạo lực tại khu vực miền Nam nhiều bất ổn có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch, cũng như  nguy cơ  các phe phái Hồi giáo có thể tách khỏi Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và tiếp tục các cuộc tấn công gây bất ổn trong khu vực. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, một nhóm li khai khỏi Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh để thành lập một bang Hồi giáo độc lập.

Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Philippines Marvic Leonen thừa nhận thỏa thuận này chỉ là bước khởi đầu, là nền tảng cho tiến trình hòa bình của Philippines: “Thỏa thuận được kí không có nghĩa là có hòa bình ngay lập tức. Tuy nhiên thỏa thuận mới này sẽ giúp mở đường cho các bên thể hiện sự chân thành trong việc xây dựng lòng tin, cũng như thể hiện rằng họ có thể thực sự tuân theo những cam kết đã đưa ra”.

Con đường hòa bình tại Minđanao còn nhiều trở ngại. Tuy nhiên, đây được coi là cơ hội sáng hơn bao giờ hết để chấm dứt cuộc chiến kéo dài hàng chục năm qua tại Philippines. Bởi lẽ, Tổng thống Benigno Aquino đã ủng hộ thỏa thuận này và cam kết sẽ kết thúc cuộc chiến  trong nhiệm kì của mình tới năm 2016./.