Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO) ngày 21/9 cho biết, Chủ tịch IHO sẽ giải trình kết quả thảo luận không chính thức nhằm sửa đổi tài liệu S-23 mang tựa đề “Ranh giới các vùng biển và đại dương” (Limits of Oceans and Seas) tại Đại hội đồng lần thứ hai, dự kiến diễn ra ngày 16/11 tới theo hình thức trực tuyến. 

Tài liệu S-23 do Tổ chức thủy đạc quốc tế lập ra, có vai trò chỉ dẫn chế tác bản đồ. Từ ấn phẩm xuất bản lần đầu năm 1929 tới ấn phẩm tái bản lần thứ 3 năm 1953, tài liệu này vẫn ghi chú vùng "biển Hoa Đông" (East Sea) giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là "biển Nhật Bản" (Sea of Japan). Kể từ năm 1997, Hàn Quốc đã đề nghị IHO bổ sung tên "biển Hoa Đông" song song với tên gọi "biển Nhật Bản" (Sea of Japan) trên bản đồ.

Về vấn đề này, IHO đã tiến hành thảo luận không chính thức với các nước liên quan trong phiên họp Đại hội đồng lần thứ nhất tháng 4/2017, kết quả sẽ được công bố trong phiên họp tới. Tuy nhiên, hai miền Nam - Bắc Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản đã không đạt được thỏa thuận trong hai phiên thảo luận hồi tháng 4 và tháng 10 năm ngoái dưới sự chủ trì của Chủ tịch IHO.

Theo đó, IHO đã đề xuất với hai nước phương án áp dụng hệ thống nhận diện bằng số thay vì ghi chú bằng tên địa danh trên biển. IHO giải thích trong thời đại số hóa hiện nay, việc sử dụng số thay vì tên gọi để quản lý thông tin địa lý hàng hải sẽ hữu dụng hơn. Theo đó, tên gọi "biển Hoa Đông" hay "biển Nhật Bản" sẽ không xuất hiện trên bản đồ nữa.

Hầu hết các nước thành viên IHO đều bày tỏ ý kiến tích cực về dự thảo sửa đổi tài liệu S-23 công bố trên trang chủ của tổ chức, nên khả năng cao dự thảo trên sẽ được thông qua trong phiên họp tới.Trong văn bản đệ trình lên Tổ chức thủy đạc quốc tế, chính phủ Hàn Quốc cũng nhận định tiêu chuẩn mới của IHO sẽ tạo hiệu quả lớn, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng về thông tin địa lý ngày càng được số hóa trong thế kỷ 21, qua đó bày tỏ ủng hộ trên nguyên tắc các phương án của IHO.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để hợp tác mang tính xây dựng cùng IHO và các nước thành viên. Các nước thành viên khác như Canada, Pháp, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ cũng bày tỏ lập trường tích cực./.