Mặc dù danh tính của tay súng trong vụ nổ súng ở thủ đô Ottawa (Canada) chưa được công bố, một số quan chức có phát biểu với truyền thông rằng người ta tin tay súng này là Michael Zehaf-Bibeau, một người Hồi giáo ẩn danh.

nghi_pham_vu_ban_sung_vao_quan_nhan_canada_heoy.jpgẢnh nghi phạm trên tài khoản Twitter của IS 
Hai quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Michael Zehaf-Bibeau sinh ở Quebec, khi đó mang tên là Michael Joseph Hall. Họ cho biết các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã được nhắc nhở về chi tiết gã này từng cải đạo sang Hồi giáo.

Các nguồn tin của hãng thông tấn AP cũng xác nhận người đó là Zehaf-Bibeau. Một tài khoản Twitter có mối liên hệ với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã đăng một bức ảnh mà họ xác định chính là kẻ nổ súng ở Ottawa. Tờ Globe và Mail đưa tin, giới chức Canada đã xác định kẻ thủ ác là một kẻ đi lại có nguy cơ cao và đã tịch thu hộ chiếu của y.

Phóng viên Domenic Fazioli tại Montreal tuyên bố Zehaf-Bibeau xuất hiện 3 lần trong cơ sở dữ liệu tòa án Montreal. Nhân vật này bị cáo buộc đã bị bắt 5 lần, gồm 3 lần vì tàng trữ ma túy và 2 lần vi phạm cam kết với cơ quan thực thi pháp luật. Ngoài ra, tên của người này còn xuất hiện trong cơ sở dữ liệu tòa án Vancouver vì các cáo buộc trộm cắp và dọa dẫm.

Hiện chưa rõ Zehaf-Bibeau liệu có phải là kẻ tấn công duy nhất khiến 1 người chết và ít nhất 2 người khác bị thương hay không. Trước đó phát ngôn viên cảnh sát Ottawa là Chuck Benoit cho hay 2 hoặc 3 tay súng được cho là tham gia vào vụ tấn công nhưng tại một cuộc họp báo các quan chức đã từ chối bình luận về số lượng kẻ bắn súng.

Tin tức về vụ bắn súng xuất hiện vào lúc 9h52 sáng (giờ địa phương) khi tay súng nói trên sát hại một quân nhân tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh Quốc gia trước khi tiến tới khu trung tâm của Đồi Nghị viện – tại đây tên này bị một viên cảnh sát bắn chết.

Một nhân chứng nói với hãng tin Canada Press: “Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy một tay súng mặc đồ đen toàn thân và choàng khăn bịt kín. Người này cầm súng trường và bắn 2 phát vào một người lính gác danh dự ngay trước Đài Tưởng niệm. Người lính gác gục xuống, trong khi kẻ bắn giơ tay vẻ ăn mừng.”

Một chiếc xe cảnh sát rời khỏi hiện trường vụ bắn súng (ảnh: AFP)
Vụ tấn công này diễn ra chỉ 2 ngày sau một tấn công khác, trong đó, một kẻ cải đạo sang Hồi giáo, 25 tuổi, tên là Martin Couture-Rouleau, đã dùng xe hơi cán chết một quân nhân và làm bị thương một người khác trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Nhân vật gây án này, Couture-Rouleau, bị cáo buộc là người ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Hôm 21/10, quan chức cảnh sát Bob Paulson cho biết tên Rouleau đã bị tịch thu hộ chiếu và y là một trong 90 người bị Cơ quan an ninh Quốc gia để mắt khi cố lánh sang Syria.

Tối hôm 22/10, phát biểu trước quốc dân từ một địa điểm bí mật, Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố nước ông sẽ không bao giờ bị hoảng loạn vì những thứ như 2 cuộc tấn công táo tợn vừa diễn ra trong tuần.

“Canada sẽ không bao giờ bị hăm dọa,” ông Harper nói. Ông cho biết thêm, chính các cuộc tấn công này càng “Làm cho chúng ta củng cố quyết tâm và tăng gấp đôi các nỗ lực nhằm thực hiện các bước đi cần thiết trong việc nhận diện và đối phó với các nguy cơ và giữ cho Canada an toàn từ bên trong”.

Theo một tài liệu nội bộ mà Global News có được, từ tuần trước, mức độ cảnh báo đe dọa khủng bố ở Canada đã được nâng từ mức thấp lên mức trung bình – lần đầu tiên kể từ ngày 13/8/2010.

Tài liệu này có đoạn: “Tình báo cho thấy một cá nhân hoặc nhóm nào đó bên trong Canada hoặc ở nước ngoài có ý định và thực hiện một hành vi khủng bố. ITAC (Trung tâm Đánh giá Khủng bố Tích hợp) cho rằng có khả năng xảy ra hành vi khủng bố bạo lực”.

Tài liệu này cũng cảnh báo là “những phần tử cực đoan tự biên tự diễn” lấy cảm hứng từ Nhà nước Hồi giáo nhiều khả năng sẽ tấn công Canada thông qua “các tiểu tổ hoặc cá nhân tiến hành các cuộc tấn công đơn giản, quy mô nhỏ”.

Giới chức tin rằng khoảng 130 người Canada hiện đang ở nước ngoài ủng hộ các lực lượng khủng bố. Trong số này có hơn 30 người ở Iraq và Syria.

Tài liệu cũng cho biết, người ta tin rằng ít nhất 80 người Canada sẽ trở về quê hương sau khi đã đến các khu vực xung đột./.