Phát biểu tại cuộc họp báo trong cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Nhà Trắng ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ cam kết sẽ điều thêm 1.000 binh sĩ tới Ba Lan, ít hơn một nửa con số mà ông và người đồng cấp Ba Lan đã thảo luận tại cuộc gặp. Con số này cũng thấp hơn con số được giới chức Ba Lan và Mỹ nhất trí tại cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra một ngày trước đó.

my_ba_lan_tyhh.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: The National

Số 1.000 binh sĩ kể trên sẽ được điều động từ Đức sang Ba Lan trong thời gian tới, cùng với các máy bay không người lái và các thiết bị phần cứng quân sự khác.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại không đưa ra bất cứ cam kết nào về việc thiết lập một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại Ba Lan dù Tổng thống Ba Lan để ngỏ khả năng, Ba Lan sẵn sàng chi khoản tiền 2 tỷ USD để xây dựng căn cứ này cũng như đặt tên căn cứ là “Pháo đài Trump” theo tên của ông Trump.

Trước lời đề nghị có phần hấp dẫn của người đồng cấp Ba Lan, ông Donald Trump chỉ nói rằng, Mỹ “rất quan tâm” ý tưởng này nhưng tỏ ra miễn cưỡng khi đưa ra cam kết. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, ý tưởng của Ba Lan chỉ là một sự thể hiện thái độ mà thôi. Ông cũng bày tỏ hy vọng, Nga sẽ đối xử với Ba Lan với sự tôn trọng.

“Tôi cho rằng, Nga sẽ đối xử với Ba Lan với sự tôn trọng như đối xử với phần còn lại với thế giới. Tôi hy vọng, cả Nga, Ba Lan và Đức cùng tất cả mọi người sẽ cùng tồn tại hòa thuận với nhau. Đây là điều mà tôi mong muốn”, ông Trump nói.

Dù không nói thẳng ra song Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda có phần thất vọng sau tuyên bố của phía Mỹ bởi không ít lần Chính phủ Ba Lan đã vận động Mỹ xây dựng một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại Ba Lan. 

Theo đánh giá của giới phân tích sở dĩ Tổng thống Mỹ không mặn mà gì với ý tưởng của Ba Lan một phần là do Mỹ còn e dè với Nga và phần còn lại là do ông Trump vốn là người chủ trương ủng hộ ý tưởng “nước Mỹ trên hết”.  

Trong một bài phân tích mới đây, BBC nhận định, số tiền trên 2 tỷ USD mà Ba Lan đưa ra mới chỉ chi trả được chi phí ban đầu để xây dựng căn cứ quân sự này. Bên cạnh đó, việc xây dựng xong căn cứ sẽ cần một khối lượng lớn binh sĩ và khí tài quân sự. Việc điều binh sĩ và khí tài quân sự từ Mỹ tới Ba Lan sẽ tạo ra một khoản chi phí khổng lồ cho nước Mỹ.

Trong trường hợp điều bớt binh sĩ và khí tài từ Đức và Italy tới Ba Lan cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự gắn kết sức mạnh quân sự cho cơ sở quân sự của Mỹ tại đây. Những khoản chi phí gia tăng cho ngân sách của nước Mỹ là điều ông Donald Trump không hề mong muốn bởi ông vốn là người thực tế.

Trên tất cả, việc xây dựng một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại Ba Lan được cho sẽ phá vỡ thỏa thuận đã ký giữa NATO và Nga.

Với kết quả trên có thể thấy, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ba Lan lần này đã không diễn ra như kỳ vọng ban đầu. Đây là chuyến thăm Mỹ lần thứ 2 của ông Duda chỉ trong vòng 1 năm qua nhằm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm ngày Ba Lan trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO)./.