Ông Chung Nam Sơn đã đưa ra nhận định trên tại một hội nghị của Hội đồng Khoa học Châu Á được tổ chức tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc hôm 13/5.

Theo ông, để đạt miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên cần 70-80% số người mắc bệnh và 5% số người tử vong trên toàn cầu. Ông Chung Nam Sơn cho rằng, cách làm này là "phi thực tế, phi khoa học và vô nhân đạo".

Ông cho biết, tiêm chủng đại trà là một cách khác để đạt miễn dịch cộng đồng và điều này cần sự phối hợp trên toàn cầu trong khoảng thời gian từ 2-3 năm.

Ông đã chia sẻ một bộ dữ liệu nghiên cứu về tỷ lệ tiêm chủng ở các khu vực khác nhau trên thế giới để đạt miễn dịch cộng đồng. Theo đó, nếu hiệu quả của vaccine là 70%, thì đối với Trung Quốc, tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 83,3% dân số, trong khi trên toàn thế giới tỷ lệ này phải là 89,2%. Đối với châu Á và châu Âu, tỷ lệ này lần lượt là 80,2% và 96,2%.

Với hiệu quả của vaccine là 80%, 72,9% người ở Trung Quốc cần được tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, trong khi con số này sẽ là 78% đối với thế giới, 70,2% đối với châu Á và 84,2% đối với châu Âu.

Chuyên gia này còn cho biết, mặc dù Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về số lượng vaccine Covid-19 được sử dụng, song tỷ lệ tiêm chủng ở nước này vẫn thấp, chỉ khoảng 23%. Ông kêu gọi người dân tiêm phòng càng sớm càng tốt để đạt miễn dịch cộng đồng, giảm tác động tiêu cực của Covid-19 đối với sự phát triển kinh tế xã hội toàn cầu.

Ông Chung Nam Sơn nhấn mạnh: “Không có quốc gia nào là an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn”.

Còn có chuyên gia cho rằng, mặc dù trong điều kiện miễn dịch cộng đồng, sự xuất hiện của các cụm dịch mới sẽ không gây ra sự gia tăng theo cấp số nhân của ca bệnh và có thể được kiểm soát, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn về đại dịch, vì các yếu tố như biến chủng virus và hiệu quả lâu dài của vaccine vẫn cần được xem xét./.