Ông Alexey Agranovsky, chuyên gia hàng đầu về virus tại Đại học Moscow, Nga cho rằng việc thế giới lo ngại về biến thể mới là điều dễ hiểu, nhưng có thể Omicron không nguy hiểm như Delta – biến thể đang khiến số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh hiện nay.

Theo ông Agranovsky, biến thể Omicron thực sự bất thường, vì nó có nhiều đột biến chưa từng thấy so với các biến thể khác.

“Ít nhất về mặt lý thuyết, số lượng đột biến như vậy có thể có những hậu quả nhất định. Omicron có thể lẩn tránh vaccine và có khả năng lây truyền cao hơn. Tuy nhiên, tới nay chưa có bằng chứng nào cho thấy nó có khả năng vượt trội hơn biến thể Delta – biến thể nổi trội hiện nay. Cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy Omicron có khả năng gây tử vong cao hơn. Trong số hàng chục ca 'nhiễm biến thể Omicron' đã được phát hiện, vẫn chưa có ca tử vong nào”, ông nói.

Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ tháng 12/2020. Theo WHO, Delta đã trở thành biễn thể nổi trội, chiếm 99% số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu. Điều này một phần là do nó có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể khác. Tuy nhiên, ông Agranovsky vẫn hoài nghi về việc Omicron có thể vượt trội biến thể Delta.

“Chúng ta vẫn cần nghiên cứu về các đặc điểm của biến thể Omicron. Hiện số ca ghi nhận vẫn còn thấp và chưa thể cung cấp cho chúng ta bộ dữ liệu đầy đủ. Nhóm người già hay người trẻ dễ bị nhiễm biến thể này hơn? Hiệu quả của kháng thể ở những người đã từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm chủng ra sao. Tất cả đều cần phải nghiên cứu”, ông Agranovsky nói.

Trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron đã ghi nhận ở nhiều khu vực trên thế giới, một số nước đã có các bước ngăn chặn. Nhật Bản, Israel và Ma Rốc đã cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài. Australia trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại biên giới thêm 2 tuần. Trong khi đó, Nga đã đình chỉ một số chuyến bay và thông báo sẽ xem xét lại quy định những người được phép nhập cảnh nước này.

Tuy nhiên, Giáo sư Agranovsky nói rằng: “Ở thời điểm này, không có lý do gì phải hoảng loạn”./.