Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học Indonesia khi trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú Đài TNVN tại Indonesia.

Kể từ khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1/2020, Việt Nam đã trải qua ba đợt bùng phát đại dịch. Tính đến ngày 7/3/2021, Việt Nam ghi nhận 2.509 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.920 trường hợp đã bình phục và 35 trường hợp tử vong. Trong khi đó, cũng đã tròn 1 năm Indonesia vật lộn với đại dịch Covid-19 với những tổn thất nặng nề khi tính đến thời điểm hiện tại có 1.379.662 ca mắc và 37.266 người đã tử vong. Đây là quốc gia có số ca mắc và tử vong do đại dịch cao nhất khu vực Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại.

Ông Lamijo, chuyên gia nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Khoa học Indonesia cho rằng, Indonesia và các quốc gia khác cần học hỏi Việt Nam trong chiến lược ngăn chặn đại dịch toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn phóng viên đài TNVN, ông Lamijo nhận định: “So với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam đã đi trước một bước trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của Covid-19. Các yếu tố chính giúp Việt Nam đối phó thành công với đại dịch Covid-19 là sự phát triển của một hệ thống y tế công cộng tốt, các chính sách phát hiện sớm, một chính quyền trung ương mạnh mẽ và có thẩm quyền cùng một chiến lược chủ động để ngăn chặn dịch Covid-19, bao gồm xét nghiệm, truy vết và kiểm dịch trên quy mô lớn. Một điều nữa không thể tách rời  thành công này là sự hợp tác của người dân Việt Nam trong việc tuân thủ mọi chính sách của chính phủ ban hành.”

Theo ông Lamijo, là quốc gia có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc, sự cảnh giác ngay khi ca mắc Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán (12/2019) cùng các phản ứng nhanh của chính phủ khi dịch bệnh xâm nhập đã giúp Việt Nam nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.  Ban chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban được thành lập, gồm 14 bộ và các bên liên quan đã điều phối tất cả các chiến lược liên quan đến đại dịch Covid-19.

Sự nghiêm túc của chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn và triệt tiêu ổ dịch Covid-19 còn được thể hiện rõ qua sự tham gia của quân đội Việt Nam trong việc kiểm soát và giám sát mọi công dân, tuân thủ các quy tắc cách ly, không ra khỏi nhà nếu không khẩn cấp và đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với người vi phạm. Công nghệ cũng được sử dụng để theo dõi những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 thông qua ứng dụng NCOVI trên điện thoại thông minh kết nối với hệ thống y tế.

Là một nhà nghiên cứu chuyên về khu vực Đông Nam Á và có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, ông Lamijo cho rằng, nhờ có kinh nghiệm trong các đợt xử lý dịch SARS năm 2003 và dịch cúm gia cầm năm 2007 và năm 2010, Việt Nam có thể hành động nhanh chóng, ứng phó khi dịch bệnh tương tự bùng phát. Ông Lamijo ca ngợi chiến lược cách ly, xét nghiệm hàng loạt và theo dõi trên diện rộng của Việt Nam trong đợt bùng phát thứ 3 tại Hải Dương vừa qua. Theo ông, kinh nghiệm trong đợt đầu tại Vĩnh Phúc, đợt hai tại Đà Nẵng, kết hợp với chính sách 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế cùng sự tuân thủ của người dân sẽ sớm giúp cho chính quyền trung ương kiểm soát đại dịch như đã từng.

Hiện nay, Việt Nam đã đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 để tăng khả năng miễn dịch cộng đồng. Chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 3/2021 với ưu tiên hàng đầu là nhân viên y tế tuyến đầu, những người tham gia đối phó với đại dịch Covid-19 như quân nhân, cảnh sát, nhà ngoại giao, quan chức hải quan, giáo viên, v.v... Đến nay, Việt Nam đã nhận được 117.600 liều vaccine AstraZeneca trong tổng số 30 triệu liều vaccine Việt Nam đặt hàng và được sử dụng trong năm 2021. Ngoài AstraZeneca, Việt Nam cũng đặt mua vaccine của Pfizer-BioNTech và Sputnik V.

Về mặt tài chính, Việt Nam đã chi hàng nghìn tỷ đồng để đối phó với đại dịch. Nhà nghiên cứu khoa học Indonesia nhận định, các bước đi chiến lược mà Việt Nam thực hiện để đối phó với sự bùng phát của Covid-19 rõ ràng đã đưa tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh hơn so với các nước khác. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đat 2,91%, ở trong top cao nhất trên thế giới. Đây thật sự là một thành tích phi thường đối với Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới./.