LTS:“Liên minh Vaccine” (Gavi) là một tổ chức đối tác y tế công-tư toàn cầu, ra đời với mục đích giúp trẻ em ở các nước nghèo nhất thế giới được tiếp cận với các loại vaccine (vắc-xin) mới và chưa được sử dụng nhiều. Hôm 25/5/2020, website Gavi đăng một bài viết về kinh nghiệm chống Covid-19 hiệu quả tại Việt Nam. Dưới đây là phần dịch bài viết này:
***
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt phòng dịch Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế Việt Nam. |
Ngày 23/1/2020, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận một ca mắc Covid-19 và cũng là nước đầu tiên ghi nhận ca lây nhiễm từ người sang người đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục. Một trăm ngày sau đó, chỉ có 270 ca nhiễm SARS-CoV-2 (virus gây bệnh Covid-19) được xác nhận ở đất nước này và chưa có cả tử vong nào do bệnh này ở đây.
Trong khi hệ thống y tế của một số nước giàu có hơn đã tiến sát tới bờ “sụp đổ” do khủng hoảng Covid-19 thì Việt Nam đã nhanh chóng phản ứng và vẫn kiểm soát được tình hình. Liệu cách thức phản ứng nhanh chóng, hiệu quả này có thể trở thành một mô hình khả dĩ cho các nước thu nhập thấp khác?
Với dân số trên 97 triệu người, Việt Nam đã có kinh nghiệm phản ứng lại sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm khác như SARS, MERS, sởi, và sốt xuất huyết. Với trường hợp virus SARS-CoV-2, Việt Nam dựa vào 4 giải pháp tương đối hiệu quả về chi phí, bao gồm xét nghiệm chiến lược, truy vết người tiếp xúc với người nhiễm bệnh thông qua ứng dụng điện thoại, và các chiến dịch truyền thông hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực thi một cuộc cách ly xã hội toàn quốc từ ngày 1/4 đến 22/4.
1. Xét nghiệm nhanh tầm chiến lược
Khi xuất hiện tin tức đầu tiên về các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc, Việt Nam liền ra tay hành động. Đã quen với các dịch bệnh gần đây như là SARS và H5N1, Việt Nam theo dõi sát sao khu vực biên giới để ngăn ngừa virus mới lây lan. Sau đó khi phát hiện ra bệnh nhân Covid-19, Việt Nam đã cách ly ngay các cộng đồng nơi xuất hiện ca nhiễm.
Vào ngày 11/1/2020, sau khi Trung Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên do Covid-19, Việt Nam đã thực hiện kiểm tra y tế tại các sân bay. Tất cả hành khách đều phải đo thân nhiệt, và những ai bị sốt, ho, đau ngực hay khó thở liền được tách riêng ra để xét nghiệm. Những ca được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2, những hành khách đi cùng họ, phi hành đoàn, và tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân đều được cách ly trong 14 ngày.
Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức họp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật của Mỹ (CDC) từ tận ngày 15/1/2020 – nhiều tuần lễ trước khi nhiều nước khác bắt đầu lên chiến lược đối phó. Các nỗ lực hành động nhanh và xét nghiệm hiệu quả của Việt Nam đã giúp làm chậm đà lây lan của virus corona chủng mới này ở giai đoạn sớm nhất.
2. Truy vết gắt gao các tiếp xúc
Khi virus SARS-CoV-2 lây truyền trên thế giới, Việt Nam thực hiện việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người nhập cảnh, đồng thời hủy tất cả các chuyến bay nước ngoài. Những người bộc lộ triệu chứng Covid-19 được theo dõi sát sao tại các cơ sở y tế và các đối tượng tiếp xúc với họ đều được truy tìm.
Sử dụng các dữ liệu của Bộ Y tế về các ca mắc bệnh, nghi mắc bệnh, và phơi nhiễm với Covid-19, các hoạt động truy vết tiếp xúc trên diện rộng đã trở nên khả thi nhờ vào việc huy động nhanh chóng các nhân viên y tế, công an, quân đội, và đội ngũ công chức.
Hoạt động truy vết còn thành công nhờ vào việc ứng dụng công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã phát triển một ứng dụng điện thoại di động có tên gọi là NCoVi, cho phép công chúng cập nhật tình trạng sức khỏe của mình hàng ngày. Ứng dụng cũng chia sẻ các điểm nóng mới về ca nhiễm mới và cung cấp cho người dùng các “cách thức tốt nhất” để giữ sức khỏe.
Bộ Y tế Việt Nam cũng phát triển một hệ thống báo cáo trực tuyến nhằm hỗ trợ việc giám sát các ca mắc Covid-19 và nghi nhiễm virus gây bệnh này.
Các nỗ lực tổng hợp này bảo đảm các ca nhiễm mới là được báo cáo đầy đủ và sau đó được cách ly kịp thời.
Báo Mỹ nhận định Việt Nam ứng phó dịch Covid-19 rất hiệu quả
3. Chiến dịch tuyên truyền hiệu quả
Việt Nam không ngại phát các chương trình nói rõ về tính nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Đất nước này thậm chí còn sản xuất ra một clip âm nhạc đã trở thành hiện tượng trên các mạng xã hội. Clip này được nhà nước tài trợ, đã sử dụng một bài hát với giai điệu và ca từ bắt tai để truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của việc rửa tay. Clip dễ nhớ, hiệu quả, và đã được chia sẻ nhiệt tình với cả thế giới.
Ngày 19/3/2020, Việt Nam cũng phát động một chiến dịch mua các đồ y tế và bảo hộ cho những người phải làm việc ở cự ly gần với các bệnh nhân Covid-19. Vào ngày 5/4/2020, hơn 2,1 triệu tin nhắn quyên góp đã được gửi qua điện thoại di động.
Cả hai chiến dịch này đã thành công trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về đại dịch Covid-19, từ đó giúp chặn đứng đà lây lan của nó.
4. Phát triển nhanh chóng bộ kit xét nghiệm Covid-19
Có một số thông tin nói rằng Việt Nam chưa có ca tử vong nào vì Covid-19 là do nước này chưa tiến hành đủ các cuộc xét nghiệm. Nhưng điều này không đúng. Việt Nam không chỉ đã mua 200.000 bộ xét nghiệm của Hàn Quốc mà còn nhanh chóng tự phát triển các bộ xét nghiệm hiệu quả của riêng mình.
Bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam là do các nhà khoa học nước này phát triển trong vòng một tháng. Đây là giải pháp hiệu quả, nhanh với giá cả phù hợp, giúp chẩn đoán các ca nghi nhiễm Covid-19 chỉ trong một tiếng đồng hồ. Vận dụng các kỹ thuật đã được WHO phê chuẩn, các bộ kit này đã giúp hiện thực hóa việc cách ly những người mắc bệnh và truy tìm những người đã tiếp xúc với họ. Và khác biệt với những nước phải dựa vào việc xét nghiệm ồ ạt trên diện rộng, Việt Nam chỉ tiến hành xét nghiệm trên các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.
Bốn yếu tố trên là một phần trọng yếu trong câu chuyện thành công của Việt Nam liên quan đến đại dịch Covid-19, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Trong nỗ lực chống Covid-19 vừa qua, các chương trình tiêm chủng vaccine ở Việt Nam đã bị gián đoạn khiến nhiều trẻ em chưa được tiêm vaccine. Nhưng Gavi đang tích cực làm việc với chính phủ Việt Nam để khắc phục tình trạng này, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, bảo đảm mọi trẻ em ở Việt Nam đều được tiêm phòng các bệnh có thể ngăn ngừa được trong suốt cuộc đời của mình./.