Sự phong tỏa lớn đã bắt đầu, có thể khiến Triều Tiên gặp nhiều khó khăn. Sau 2 năm đóng cửa, thông báo không có ca mắc Covid-19 nào, Triều Tiên hôm nay (13/5) đã xác nhận 6 ca tử vong do sốt; trong đó có một ca được xác định là nhiễm biến thể Omicron.

Theo KCNA, nhiều người có dấu hiệu bị sốt không rõ nguyên nhân từ tháng 4. Tới thời điểm hiện tại, có khoảng 350.000 người đã có triệu chứng sốt- trong đó có 18.000 ca được công bố hôm qua. Hiện 162.200 ca đã được điều trị khỏi; 187.800 ca vẫn đang được điều trị cách ly. Đáng chú ý, trong tháng 4, Triều Tiên đã tổ chức hai sự kiện lớn, tập trung đông người – nơi hầu hết mọi người không đeo khẩu trang, tiềm ẩn những hậu quả lây lan dịch bệnh lớn hơn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm qua (12/5) đã đích thân tới trung tâm chỉ huy chống dịch, để kiểm tra tình hình, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất và ra lệnh phong tỏa toàn quốc. Ông chỉ trích các điểm yếu kém trong hệ thống phòng dịch của đất nước; chỉ đạo việc cách ly và điều trị những người bị sốt là ưu tiên hàng đầu hiện nay; kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu các biện pháp điều trị cũng như cung cấp thuốc phù hợp.

Hiện giới y tế Triều Tiên đang dồn lực cho công tác xét nghiệm, điều trị cũng như tiến hành khử trùng các khu vực lây nhiễm. Giới chuyên gia quốc tế lo ngại, đợt bùng phát dịch bệnh sẽ gây ra nhiều thách thức với Triều Tiên khi nước này nhiều lần từ chối nhận vắc-xin Covid-19; trong đó có gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và gần 3 triệu liều vaccine Sinovac từ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện thống nhất Hàn Quốc, Hong Min cho biết: “Người dân không được tiêm phòng - đó là một tình huống đáng lo ngại. Các biện pháp tiếp theo như cung cấp thuốc tốt như thế nào, hệ thống y tế có thể đối phó với đợt bùng phát này một cách có hệ thống hay không, vì biến thể Omicron với tỷ lệ lây lan cao và với các triệu chứng khác nhau đã lan rộng trong cộng đồng tại Triều Tiên”.

Việc đóng cửa biên giới, phong tỏa chống dịch cũng khiến giới chuyên gia lo ngại sẽ làm trầm trọng thêm sự khó khăn lương thực của quốc gia – vốn bị cô lập do các lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều năm. Cuộc chiến dồn lực chống hạn hán và tăng gia sản xuất của Triều Tiên chắc chắn bị cản trở.

Trước tình huống này, Liên Hợp Quốc cho biết, đang theo dõi tình sát tình hình tại Triều Tiên với sự quan tâm lớn, tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ. Phó phát ngôn của Liên Hợp Quốc Farhan Haq kêu gọi Triều Tiên cho phép nhân viên Liên Hợp Quốc nhập cảnh để cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo kịp thời và hiệu quả.

Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã lên tiếng đề nghị hỗ trợ Triều Tiên. Ứng cử viên cho chức vụ Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se cho biết, nước này sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên, bao gồm các thiết bị y tế phục vụ cuộc chiến chống Covid-19.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố: “Chúng tôi chia sẻ với hoàn cảnh hiện tại mà Triều Tiên đang phải đối mặt. Với tư cách là quốc gia láng giềng và bạn bè, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ đầy đủ cho Triều Tiên trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không có kế hoạch gửi vaccine tới Triều Tiên nhưng ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm cung cấp viện trợ cho những người dễ bị tổn thương ở đó, thúc giục Bình Nhưỡng tạo điều kiện cho công việc đó.

Việc công bố dịch của Triều Tiên bắt đầu từ hôm qua (12/5); diễn ra cùng thời điểm vụ phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ thủ đô Bình Nhưỡng của nước này – khiến quốc tế quan ngại. Mỹ - Nhật - Hàn cũng lo ngại Triều Tiên sắp tiến hành thử hạt nhân trở lại sau nhiều năm, đặc biệt trước chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng 5 này.

Dịch bệnh và sức nóng của chương trình tên lửa thực tế đang thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế, bên cạnh tình hình chiến sự tại Ukraine hiện nay./.