Ecuador hôm nay (3/7) đã lên án mạnh mẽ hành vi của Mỹ như "hành vi vi phạm quyền con người", trong khi châu Âu lại tăng cường sự cảnh giác với chính đồng minh của khối này. Chính phủ Mỹ có vẻ như đang đi quá giới hạn về sự tôn trọng quyền riêng tư trong các chính sách của mình và chính những chính sách này lại đang trở thành “lợi bất cập hại” đối với Mỹ.

Quốc hội Ecuador cho biết, hành vi của Mỹ "cài đặt các thiết bị theo dõi tại một số nước là tội nghiêm trọng và vi phạm quyền con người". Trước đó, Ngoại trưởng Ecuador Patino cho biết, một thiết bị nghe lén đã được phát hiện cài đặt bí mật tại Đại sứ quán Ecuador tại Thủ đô London của Anh, nơi nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange đang tị nạn.

Ông Mauro Andino, một thành viên Quốc hội Ecuador nhấn mạnh: “Mỹ đang thực hiện sự giám sát trên toàn thế giới. Đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Về phương diện chủ quyền quốc gia thì đây là một hành vi vi phạm quyền con người. Họ theo dõi mạng internet của chúng tôi, các hoạt động xã hội và thậm chí là cả điện thoại của chúng tôi. Dù vì bất kỳ lý do nào đi nữa thì các hành vi này đều bị cấm. Tôi hi vọng chính phủ Mỹ có thể đối mặt với vấn đề lớn và tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người dân trên toàn thế giới.”

Trong khi đó, châu Âu có vẻ cảnh giác hơn sau khi có các thông tin cho rằng tình báo Mỹ đã bí mật cài thiết bị theo dõi tại các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU). Các nhà chức trách EU hôm qua kêu gọi tiến hành kiểm tra các cơ sở và chương trình an ninh tại trụ sở của Hội đồng châu Âu. EU trước đó cho rằng hành vi nghe lén bạn bè là một hành vi không thể chấp nhận được, thậm chí còn đe dọa việc này có thể ảnh hưởng đến triển vọng đàm phán thương mại giữa 2 bên.

Ông Michael Mann, người phát ngôn Liên minh châu Âu về các vấn đề đối ngoại cho biết: “Đã có nhiều báo cáo về những cáo buộc hoạt động gián điệp. Do đó, tại các tòa nhà mới được xây dựng của châu Âu, chúng tôi sẽ áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất.”

Chương trình nghe lén của chính phủ Mỹ không chỉ khiến cộng đồng quốc tế nổi giận mà còn gây ra làn sóng phản đối tại chính quốc gia này. Nhiều người dân Mỹ cũng bác bỏ tuyên bố của giới chức tình báo nước này cho rằng chương trình theo dõi bí mật đối với hàng triệu công dân Mỹ là cần thiết nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi các âm mưu tấn công khủng bố. Truyền thông Mỹ cũng cho biết, nhiều công ty Internet ở Mỹ đang lên kế hoạch "biểu tình trực tuyến" vào ngày Độc lập của nước Mỹ -ngày mai, 4/7- nhằm phản đối việc cơ quan an ninh quốc gia Mỹ giám sát sâu rộng các cuộc điện thoại và liên lạc trên Internet của công dân Mỹ.

Bà Debra Sweet, một người dân Mỹ bày tỏ sự phẫn nộ của mình: “Chương trình theo dõi của chính phủ Mỹ sẽ nắm bắt tất cả các thông tin cá nhân của bạn. Mọi thứ từ tài khoản ngân hàng, những liên lạc qua điện thoại, email, tài liệu, bất cứ thứ gì có thể kết nối trực tuyến. Họ đang sử dụng tất cả những thứ này mà không cần một sự cho phép nào. Họ đang thu được hàng tỉ byte dữ liệu của chúng ta trong mỗi phút và điều này là không đúng. Điều này là bất hợp pháp và nó cũng không phải là biện pháp để bảo vệ sự an toàn cho chúng ta.”

Chưa rõ các chương trình nghe lén và theo dõi có thể mang lại bao nhiêu “những cái lợi” cho Mỹ, song rõ ràng nó đang mang lại những hậu quả khôn lường cho Washington khi làm suy yếu niềm tin của công chúng Mỹ đối với chính phủ nước này. Không những thế nó còn gây tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ ngoại giao của Mỹ với các đồng minh. Washington đang trong tình thế rất "khó ăn khó nói trước hành vi của mình". Trong khi đó, dư luận 2 bên bờ Đại Tây Dương đang lo ngại rằng nếu không được giải quyết một cách thấu đáo, "nạn nhân" đầu tiên của vụ bê bối rất có thể sẽ là sự đình đốn của dự án Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Mỹ mà cả 2 phía đều đang đặt nhiều kỳ vọng./.