Mười ngày sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố một cách nghiêm túc trước các phóng viên rằng tự do báo chí và báo chí độc lập là “trụ cột quan trọng trong nền dân chủ Mỹ”, hãng tin AP đã lên tiếng cáo buộc chính quyền của ông Obama phá hoại “trụ cột quan trọng này” bằng cách bí mật giám sát các cuộc đàm thoại của phóng viên và biên tập viên AP trong 2 tháng.

bo-tu-phap-my-afp.jpg
Trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ (Ảnh: AFP)

Trong bức thư gửi cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AP Gary Pruitt cho rằng “hành động này của Bộ Tư pháp Mỹ là một sự can thiệp nghiêm trọng vào quyền hiến định của AP là thu thập và đưa tin”. Chủ tịch AP coi hành động giám sát liên tục này là một sự "xâm nhập lớn và chưa từng có tiền lệ".

Ngay sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã có hồi đáp lại cho hãng tin AP. Tuy thừa nhận nhưng Bộ Tư pháp Mỹ không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho việc làm này.

AP cho rằng hơn 100 nhà báo của hãng đã bị đưa vào diện giám sát điện thoại của Bộ Tư pháp Mỹ. Nội dung các cuộc đàm thoại có liên quan đến chính phủ và nhiều chủ đề khác. 

Bộ Tư pháp Mỹ đã “bí mật thu các cuộc điện thoại ở hơn 20 đường dây được phóng viên và văn phòng AP đăng ký, bao gồm cả điện thoại di động và cố định”. Và việc thu lén này “kéo dài đúng 2 tháng vào đầu năm 2012”, trong đó có điện thoại của trụ sở AP ở New York, các văn phòng đại diện của AP ở New York, Washington, Hartford, Connecticut và Hạ viện.

Ông Pruitt cũng cho biết, AP đang xem xét hành động pháp lý đối với vụ việc và đòi giới chức Mỹ trao trả lại toàn bộ nội dung đã thu thập được.

Người ta tin rằng thông tin “bị nghe lén” từ các cuộc điện thoại là một phần của một cuộc điều tra hình sự những thông tin rò rỉ về hoạt động của CIA ở Yemen để làm sáng tỏ một âm mưu kích nổ một chuyến bay đến Mỹ của al-Qaeda năm 2012.

Phát biểu về vụ việc, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết ngoài thông tin của hãng AP, Nhà Trắng không có thông tin gì về việc Bộ Tư pháp nghe lén điện thoại./.