Ngày 16/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nói rằng, chỉ có đoàn kết giữa các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu hiện nay.  

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Thủ tướng CH Séc Bohuslap Sobotka tại thủ đô Praha, Chủ tịch Hội đồng châu Âu hoan nghênh sự ủng hộ và cam kết trợ giúp mà nhóm bốn nước Trung - Đông Âu (Visegrad 4) dành cho Macedonia. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ cho các nước ở tuyến đầu.

tusk_qeyh.jpg
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. (Ảnh: theparliamentmagazine)
Ông Donald Tusk nói: “Tôi hy vọng sự ủng hộ song phương mà các bạn cam kết dành cho Macedonia để bảo vệ biên giới có thể sẽ tạo ra sự khác biệt, đặc biệt liên quan tới tình hình nhân đạo tại khu vực Tây Balkan. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ quên những thành viên EU khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng, trong đó có Hy Lạp. Họ rất cần sự trợ giúp tăng cường của chúng ta để đối phó với làn sóng người di cư".

Chủ tịch EC Donald Tusk đưa ra lời kêu gọi trên sau khi nhóm bốn nước Trung - Đông Âu bao gồm CH Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia nhóm họp ngày 15/2 để bàn cách thức tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Cuộc họp này còn có sự tham gia của Thủ tướng Bulgaria và Tổng thống Macedonia. Họ cho rằng việc bảo vệ biên giới khu vực Schengen không đạt như kết quả mong muốn khi Hy Lạp không có đủ khả năng để kiểm soát tình hình.

Bên cạnh đó, thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế làn sóng người di cư vào châu Âu chưa được thực thi có hiệu quả. Chính vì vậy, nhóm các nước Trung-Đông Âu đề nghị thực hiện một kế hoạch dự phòng trong trường hợp các giải pháp hiện nay không mang lại kết quả. Theo đó họ đề nghị dịch chuyển đường biên giới của khu vực Schengen từ Hy Lạp tạm thời tiến lên Bulgaria và Macedonia.  

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng CH Séc Sobotka bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thực thi đầy đủ thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh những tiến triển trên biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên ông cũng lưu ý một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng hiện nay không thể thiếu sự tham gia của các nước khu vực Tây Balkan./.