Ngày 15/2, Hội nghị thượng đỉnh 4 nước Trung-Đông Âu (hay còn gọi là Visegrad 4) tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc đã thông qua Tuyên bố chung, cảnh báo Châu Âu sẽ bị đe dọa nếu cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay không được kiểm soát có hiệu quả.

Tham gia hội nghị không chính thức lần này, ngoài thủ tướng của bốn nước trong nhóm Visegrad 4 bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia, còn có đại diện khách mời là thủ tướng của Bulgari và tổng thống Macedonia.

di_cu_chau_au_bofv.jpg
 Các nước châu Âu lo ngại về khủng hoảng di cư. (Ảnh minh họa: Internet)

Tuyên bố cho rằng nếu Châu Âu không cải thiện việc kiểm soát biên giới ngoại biên của mình và không ngăn cản được làn sóng người di cư, tình hình sẽ sớm vượt ra khỏi tầm kiểm soát và bất cứ một sự thất bại nào cũng sẽ thách thức nền tảng cơ bản của Liên minh châu Âu. Đó là quá trình hội nhập của châu Âu, đặc biệt là khối Schengen và dòng di chuyển người tự do trong khối, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế-xã hội của khối. Sự thất bại cũng sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh và ổn định của khu vực Balkan.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ và có hiệu quả thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, và hỗ trợ Hy Lạp thực hiện nghĩa vụ là nước thành viên của khối đi lại tự do Schengen. Nếu việc bảo vệ biên giới ngoại biên của Liên minh châu Âu và quá trình hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ không mang lại kết quả như mong muốn, Châu Âu cần phải lên một kế hoạch khác để thay thế và thực hiện ngay.

Nhóm bốn nước Trung-Đông Âu gần đây có thảo luận một kế hoạch dự phòng trong trường hợp Hy Lạp không thể bảo vệ biên giới Schengen và nếu dòng người di cư vào Châu Âu không có dấu hiệu giảm trong thời gian tới. Trường hợp đó cả Bulgari và Macedonia đều đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ khối Schengen cho dù cả hai nước này đều chưa phải là thành viên của khối. Họ đề nghị lấy đường biên giới của Bulgari và Macedonia với Hy Lạp làm đường biên giới tạm thời để ngăn dòng người di cư – một động thái gặp phải chỉ trích từ phía Đức.

Trong cuộc gặp với thủ tướng Cộng hòa Séc cùng ngày, thủ tướng Bulgari Boyko Borisov nói rằng việc tăng cường kiểm soát trên biên giới giữa Hy Lạp với Bungari và Macedonia không phải là giải pháp bởi nó có thể dẫn tới việc thay đổi dòng di chuyển người di cư sang hướng khác, làm tình hình phức tạp thêm. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể được giải quyết với sự tham gia và đóng góp tích cực của tất cả các nước khu vực Tây Balkan, và đặc biệt là Hy Lạp. Những biện pháp đơn phương sẽ không mang lại hiệu quả tích cực cho cuộc khủng hoảng hiện nay./.