Cùng đi với Chủ tịch Raul Castro đến Mỹ lần này, phái đoàn Cuba gồm có Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla, Thứ trưởng Ngoại giao Abelardo Moreno Fernández và Đại diện thường trực của Phái đoàn ngoại giao Cuba tại Liên Hợp Quốc Rodolfo Reyes Rodríguez.

Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch Raul Castro lần đầu tiên sẽ có bài phát biểu tại khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 28/9 tới, cùng ngày với bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững vào cuối tuần này. 

raul_castro_bbui.jpg
Chủ tịch Cuba Raul Castro. (Reuters).

Chuyến thăm của Chủ tịch Cuba tới Mỹ một lần nữa khẳng định mối quan hệ giữa hai quốc gia này đang tiếp tục tan băng sau khi nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 12/2014.

Một trong những sự kiện trọng đại, đánh dấu chấm dứt hơn 50 năm thù địch giữa hai quốc gia này là Mỹ và Cuba đã chính thức mở cửa trở lại Đại sứ quán vào tháng 7 vừa qua.

Mỹ  gần đây dần dỡ bỏ các rào cản trong quan hệ thương mại hai nước như nới lỏng các hạn chế về đi lại và thương mại, giúp mở ra những lĩnh vực hợp tác song phương mới.

Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest cho biết: “Mục tiêu trong việc thay đổi chính sách nới lỏng giới hạn đầu tư, thương mại và đi lại với Cuba  là nhằm làm sâu sắc thêm sự hợp tác với người dân Cuba. Một số các thay đổi chính sách có hiệu lực, liên quan đến viễn thông và các dịch vụ Internet, đảm bảo người dân Cuba được tiếp cận nhiều hơn với thông tin. Điều này mang nhiều lợi ích cho người dân Cuba và cả nước Mỹ”.

Trong một bước đi được nhìn nhận là chưa từng có tiền lệ nhằm gia tăng áp lực đối với Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo nước này đang cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết hàng năm của Liên Hợp Quốc chỉ trích các biện pháp bao vây cấm vận Cuba.

Nếu bỏ phiếu trắng, đây sẽ là lần đầu tiên chính quyền Mỹ không phản đối một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trực tiếp chỉ trích và yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận do chính nước Mỹ áp đặt chống Cuba cách đây 54 năm.

Rõ ràng, sau hơn 50 năm bất đồng, việc Mỹ- Cuba cải thiện quan hệ đang mang lại lợi ích thật sự cho hai quốc gia châu Mỹ này và nhận được sự hoan nghênh tích cực của cộng đồng quốc tế. Quan hệ thương mại và tài chính Mỹ - Cuba tiếp tục trên đà cải thiện, với các ngân hàng Mỹ đầu tiên bắt đầu hoạt động hợp tác với Cuba.

Hàng loạt dự án giáo dục nhằm thúc đẩy giao lưu giữa học sinh, sinh viên hai nước cũng đã được ký kết. Lợi ích thật sự sẽ rõ ràng hơn nếu Mỹ dỡ bỏ chính sách bao vây cấm vận chống Cuba.  

Mỹ được cho là nước được hưởng lợi nhiều nhất về thương mại với giá trị xuất khẩu vào đảo quốc Caribe này có thể tăng tới 1 tỷ đôla Mỹ mỗi năm. Tổng sản phẩm quốc nội của Cuba trong giai đoạn 2016-2020 có thể tăng từ 5% - 6% mỗi năm, cao hơn so với mức 4% hiện tại.

Vì vậy, Giáo hoàng Francis đang có chuyến thăm Mỹ đã kêu gọi nước này dỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm vào Cuba để thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia này.

Giáo hoàng Francis cho biết: “Vấn đề dỡ bỏ cấm vận là một phần trong các cuộc đàm phán. Đây là bước đi hướng đến mối quan hệ tốt mà hai nước đang hướng tới. Mong muốn của tôi đó là Mỹ-Cuba hoàn thành các cuộc đàm phán với kết quả tốt đẹp, đạt được thỏa thuận làm hài lòng cả hai bên”.

Chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Raul Castro diễn ra ngay trước thềm cuộc đàm phán song phương về việc nối lại các dịch vụ hàng không giữa hai nước vào cuối tháng này. 

Hiện nay, các hãng hàng không Mỹ đã thực hiện các chuyến bay sang Cuba, nhưng hành khách vẫn bị giới hạn do đạo luật cấm vận của Mỹ. Nếu các cuộc đàm phán thành công sẽ là một bước tiến lớn cho việc tăng cường hợp tác kinh tế thương mại Mỹ- Cuba./.