Ngày 19/5, vào đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Viện Viễn đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã diễn ra hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề "Các ngày lễ lớn của các năm 2014-2015 trong lịch sử Việt Nam".  
hoithao.jpg
Hội thảo Việt Nam học ở Nga 2014

Một trong những phiên của hội thảo đã đề cập trực tiếp tới tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông được các nhà khoa học quan tâm, thảo luận sôi nổi

Hội thảo năm nay thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học Nga, Việt Nam và một số nước khác, chứng tỏ sức hút cũng như uy tín của diễn đàn khoa học này đối với những người nghiên cứu về Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Titarenko - Giám đốc Viện Viễn đông cho biết, đã thành truyền thống từ nhiều năm nay, vào dịp tháng 5 Viện Viễn đông lại tổ chức hội thảo của các nhà Việt Nam học và đây đã là lần thứ 5.

Ông Nguyễn Tất Giáp - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thay mặt đoàn các nhà khoa học Việt Nam dự hội thảo phát biểu trong phiên khai mạc cảm ơn Viện Viễn đông tổ chức hội thảo khoa học thực tiễn với chủ đề "Các ngày lễ lớn của các năm 2014-2015 trong lịch sử Việt Nam".

Ông Giáp nhấn mạnh, Việt Nam đã và sẽ long trọng tổ chức các ngày lễ lớn như 60 chiến thắng Điện Biên Phủ, 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9...

Việc tổ chức các ngày lễ lớn này tại Việt Nam sẽ được diễn ra dưới nhiều hình thức nhằm khẳng định vai trò của các sự kiện lịch sử này đối với tiến trình phát triển của Việt Nam, phát huy tinh thần dân tộc, góp phần vào sự nghiệp đổi mới và phát triển.

Trong 2 ngày làm việc, với sự tham gia của hơn 30 nhà khoa học Nga, Việt Nam và nhiều người quan tâm tới Việt Nam, tại 8 phiên thảo luận, các nhà khoa học sẽ trao đổi các chủ đề về quan hệ Nga-Việt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, lịch sử, vấn đề Biển Đông và về ý nghĩa của các ngày lễ lớn trong các năm 2014 và 2015 của Việt Nam.

Nhân dịp này, Viện Viễn đông cũng giới thiệu cuốn kỷ yếu bằng tiếng Anh tập hợp các tham luận của 4 lần hội thảo trước nhằm phổ biến rộng hơn kết quả hoạt động của mình ra thế giới.

Một chủ đề rất được quan tâm và bàn luận sôi nổi ngay trong phiên khai mạc của Hội thảo là diễn biến tình hình trên Biển Đông với quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai đối tác chiến lược của Nga, đang rất căng thẳng do tranh chấp chủ quyền. Các nhà khoa học đều bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay.

Trong bài phát biểu khai mạc, Viện trưởng Titarenko nói: "Chúng tôi rất quan ngại tới tình hình căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam. Chúng tôi hy vọng hai bên tìm ra được giải pháp chính trị hợp lí để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi các bên hết sức kiềm chế và giải quyết xung đột nảy sinh bằng biện pháp hòa bình".

Ông Nguyễn Tất Giáp đã thông tin tới các nhà khoa học và khách mời tham dự hội thảo về tình hình căng thẳng trên Biển Đông và khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Ông Nguyễn Tất Giáp phát biểu: “Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một sự vi phạm hết sức trắng trợn, nghiêm trọng các thỏa thuận cấp cao, cũng như các thỏa thuận giữa hai nước. Trên thực tế, Việt Nam chúng tôi đã hết sức kiềm chế, kiềm chế đến mức cao nhất và cũng hy vọng rằng phía Trung Quốc cũng có những hành động tương tự để hai bên có thể xử lí, giải quyết vấn đề bằng con đường thương lượng hòa bình”.

Ông Giáp nói thêm: “Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho đến giờ phút này chưa tỏ rõ bất kỳ thiện chí nào đối với mong muốn giải quyết bằng con đường hòa bình với Việt Nam. Với ý nghĩa đó, chúng tôi sẽ cố gắng kiềm chế đến mức cao nhất để cho tình hình trở lại bình thường. Điều đó góp phần củng cố lại quan hệ hữu nghị Việt - Trung, đóng góp vào hòa bình, ổn định tại khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới".

Chính sự quan ngại chung và tính cấp thiết của vấn đề, trong phiên thảo luận với chủ đề "Sự tham gia của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc tế", chủ đề Biển Đông được các nhà khoa học Nga và Việt Nam thảo luận rất sôi nổi với những bài tham luận sâu sắc, khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và phê phán hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp tình hình./.