Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 16/9 đã ra lệnh phong tỏa chiếc cầu cuối cùng đi qua biên giới giữa nước này và Colombia nhằm tăng cường chiến dịch trấn áp tội phạm và buôn lậu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo hai nước chuẩn bị có cuộc hội đàm vào ngày 21/9 tới để giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới hiện nay.

Thực hiện sắc lệnh của Tổng thống, các lực lượng an ninh Venezuela đã lập một hàng rào chắn ngăn các phương tiện giao thông qua lại trên chiếc cầu nối giữa tỉnh Arauca của Colombia và bang Apure của Venezuela. Đây là chiếc cầu thứ 5 bị Chính phủ Venezuela phong tỏa trong những tuần gần đây mặc dù vẫn còn nhiều tuyến đường mòn và đường sông dọc theo biên giới giữa hai nước vẫn đang hoạt động. 

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh Reuters)

Trước đó một ngày, ông Maduro cho biết đã có thêm 10 thành phố ở miền Tây Venezuela bị ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó có một số thành phố tại bang Apure. Tổng thốngColombiaSantos đã bày tỏ sự bất bình trước quyết định của phíaVenezuela. Ông nhấn mạnh: "Việc mở rộng thêm các khu vực đóng cửa biên giới sẽ không giúp tìm ra giải pháp cho vấn đề ở khu vực biên giới 2 nước. Chúng ta cần một cuộc đối thoại chân thành, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau dựa trên tình hình thực tế”.

Động thái của Venezuela diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Maduro sẽ có cuộc họp với người đồng cấp Colombia Manuel Santos tại Ecuador vào ngày 21/9 tới nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng về vấn đề biên giới giữa hai nước.

Hiện Ecuador và Uruguay đang nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột biên giới giữa Colombia và Venezuela. Tổng thống Ecuador Rafael Correa bày tỏ quan điểm sẵn sàng làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng biên giới Colombia và Venezuela với tư cách là Chủ tịch Cộng đồng các nhà nước Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC). Ông Correa cho rằng đây là vấn đề song phương, nhưng trên thực tế có ảnh hưởng tới cả khu vực. 

Trước đó, ngày 12/9, Ngoại trưởng Ecuador cũng đã đóng vai trò trung gian trong cuộc gặp của ngoại trưởng Colombia và Venezuela tại thủ đô Quito để thảo luận tình hình căng thẳng ở biên giới hai nước.

Nói về cuộc hội đàm sắp tới, Tổng thống Colombia cho rằng, cuộc gặp song phương với nhà lãnh đạo Venezuela là cần thiết, nhưng ông không muốn một cuộc gặp mang tính thủ tục: “Tôi muốn nhắc lại rằng, tôi sẵn sàng đối thoại với tổng thống Maduro để đưa ra quyết định và tìm một giải pháp cụ thể để hai bên có thể mở cửa trở lại cũng như ổn định khu vực biên giới 2 nước”.

Cuộc khủng hoảng biên giới giữa Venezuela và Colombia xảy ra ngày 19/8 khi 3 nhân viên quân sự Venezuela bị thương trong vụ đụng độ với các tay súng bán quân sự hoạt động tại Colombia. Vụ việc này đã khiến Venezuela đóng cửa biên giới ở một số khu vực với Colombia. Venezuela cũng đã trục xuất gần 1.000 người Colombia. Sau đó, hàng nghìn người Colombia đã tình nguyện về nước. 

Phía Venezuela yêu cầu Colombia có biện pháp giải quyết tình trạng an ninh bất ổn do các nhóm vũ trang bán quân sự cực hữu gây ra cũng như nạn buôn lậu tại khu vực giáp ranh giữa hai nước. Tổng thống Mađurô khẳng định cho tới khi nào những yêu cầu trên chưa được giải quyết, nước này sẽ không mở cửa biên giới.

Vụ việc ở khu vực biên giới Venezuela và Colombia đã gợi lại những bất đồng thường xuyên xảy ra giữa 2 nước trong suốt 14 năm cầm quyền của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Giới phê bình cho rằng ông Maduro đang có hướng đi tương tự như người tiền nhiệm của mình. Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng ở khu vực biên giới sẽ làm sao nhãng sự chú ý của người dân Venezuela khỏi những vấn đề kinh tế trong đó có giá đâu sụt giảm, lạm phát, cũng như tình trạng tội phạm tràn lan trước thềm cuộc bầu cử quốc hội tại nước này vào tháng 12 tới./.