Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA) ngày 8/7 xác nhận Iran vượt qua mức giới hạn làm giàu urani theo thỏa thuận hạt nhân cho phép. Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng 1 tháng Iran phá vỡ cam kết của mình, sau khi xác nhận vượt quá mức giới hạn kho dự trữ urani đã được làm giàu. Điều này đặt ra câu hỏi là chiến dịch gia tăng sức ép của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo này có đang thực sự hiệu quả?

trump_iran_rnpt.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa với Iran. Ảnh: BBC

Theo xác nhận của IAEA, Iran đã làm giàu vượt mức 3,67%, mức làm giàu cho phép theo Thỏa thuận hạt nhân. IAEA không đề cập cụ thể mức làm giàu urani nhưng các quan chức Iran trước đó khẳng định cấp độ làm giàu urani hôm qua đã vượt mức 4,5%. Nước này cũng tuyên bố có khả năng làm giàu lên đến 20% trong năm nay, nếu các nước châu Âu không đưa ra bước đi giúp Iran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Với việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, phản ứng của Iran cho thấy nước này đang bắt đầu phá vỡ các giới hạn trong cam kết hạt nhân, có thể dẫn đến việc sản xuất vũ khí hạt nhân.

Ngay sau tuyên bố của Iran, Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép và cô lập tối đa, nhằm mục tiêu buộc Iran phải từ bỏ chương trình vũ khí của nước này.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên chính phủ Iran cho đến khi nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và các hành động bạo lực trên khắp Trung Đông, bao gồm tiến hành và hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố trên thế giới. Việc Iran tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân gần đây tiếp tục vi phạm thảo thuận đã cam kết. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.

Là bên khơi mào cho những căng thẳng này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dự đoán trước được phản ứng của Iran và vạch ra chiến lược nhằm đạt được mục tiêu của mình mà không bị kéo vào một cuộc chiến tranh khác tại Trung Đông. Tổng thống Trump hy vọng các nước châu Âu có thể sẽ phản ứng với bước đi mới nhất của Iran bằng việc áp đặt lệnh trừng phạt của riêng mình.

Mặc dù vậy, Báo Washington Post Mỹ ngày 8/7 có bài nhận định, chiến lược Mỹ nhằm vào Iran sẽ không đạt được kết quả như mong đợi. Pháp, Đức và thậm chí cả Anh cũng giống như Nga và Trung Quốc đều đổ lỗi cho Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân, khơi mào cho phản ứng của Iran và làm gia tăng căng thẳng tại Vùng Vịnh với các vụ tấn công vào những tàu chở dầu gần đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng khẳng định: “Chính sách gia tăng sức ép của Mỹ nhằm vào Iran là nguyên nhân cơ bản cho cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Báo Washington Post cũng cho rằng, tuyên bố “tốt hơn Iran nên cẩn thận” của Tổng thống Trump cũng cho thấy sự thiếu mạch lạc trong chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ, hoặc một chiến lược để đạt được mục tiêu với Iran.

Các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp hiện giờ có thể là “cứu cánh” giúp Tổng thống Trump tránh được bãi lầy mà ông đã tạo ra. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Đặc phái viên của Tổng thống Pháp về Iran Emmanuel Bonne ngày 9/7 cũng lên đường đến Tehran với mục tiêu  giảm căng thẳng.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, với mục tiêu của Tổng thống Trump đặt ra là chỉ muốn làm cho “thỏa thuận hạt nhân đã ký tốt hơn” và không muốn chiến tranh, thì tốt nhất ông nên dừng các bước đi gây áp lực, tìm kiếm các biện pháp giảm căng thẳng trước khi quá muộn./.