Chính quyền lâm thời Ai Cập tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền, nỗ lực thực hiện giai đoạn chuyển tiếp, bất chấp căng thẳng chưa có dấu hiệu lắng dịu kể từ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội truất quyền.

Theo hãng Thông tấn Nhà nước MENA của Ai Cập, Thủ tướng lâm thời nước này Hazem El-Beblawi ngày 21/7 đã bổ nhiệm thẩm phán Adel Abdel-Hamid làm Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ chuyển tiếp mới được thành lập. Đây là vị trí mà ông Abdel Hamid từng nắm giữ năm 2012 trong chính phủ của cựu Thủ tướng Kamal al-Ganzour trong thời gian quân đội tạm nắm quyền trước khi Tổng thống vừa bị phế truất Morsi được bầu lên.

phu-nu-ai-cap.jpg
Phụ nữ Ai Cập biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi (Ảnh: Press TV)

Trong tuyên bố đầu tiên với tư cách là tân Bộ trưởng Tư pháp, ông Abdel Hamid nhấn mạnh Bộ Tư pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng luật, vốn cần thiết cho giai đoạn chuyển tiếp mà quốc gia Bắc Phi này đang trải qua.

Nội các lâm thời Ai Cập đã thông qua dự luật cải tổ Hội đồng Nhân quyền Quốc gia, trong đó có nhiều thành viên ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi. Theo hãng tin MENA, quyết định này được đưa ra sau khi các nhân viên của cơ quan này kêu gọi khôi phục tính "phi chính trị, phi đảng phái" của tổ chức này.

Nội các Ai Cập cũng thông qua 2 dự luật về tự do ngôn luận, trong đó bác bỏ quy định phạt tù đối với tội danh "xúc phạm tổng thống".

Đánh giá về chính sách kinh tế dưới thời ông Morsi, tân Bộ trưởng Bộ Cung ứng Ai Cập Mohamed Abu Shadi ngày 21/7 cho rằng, sai lầm lớn nhất của ông Morsi trong thời kỳ nắm quyền là ngừng nhập khẩu lúa mì, do những “tính toán sai lầm” về lượng dự trữ lúa mì của Ai Cập. Ông Shadi cam kết sẽ bảo đảm nguồn cung các mặt hàng chiến lược như lúa mì và không để xảy ra tình trạng thiếu hụt như khi ông Morsi còn tại nhiệm.

Ông Shadi nhấn mạnh: “Ưu tiên quan trọng nhất của tôi là tiếp tục bảo đảm duy trì các kho dự trữ các mặt hàng quan trọng và bảo đảm chúng ta luôn an toàn trong đường biên giới. Thứ hai là duy trì sự hỗ trợ của chính phủ đối với hệ thống phân phối và tái cơ cấu hoạt động của Bộ Cung ứng”.

Cùng ngày, ông Shadi đã chỉ thị nhập khẩu 300.000 tấn lúa mì từ Roumania, Ukraine và Nga nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước hiện nay, đồng thời bày tỏ lạc quan về sự phục hồi của kinh tế Ai Cập khi tình hình chính trị và an ninh được cải thiện.

Trong khi đó, phe Hồi giáo tiếp tục yêu cầu phục chức cho ông Morsi. Các thành viên của Hội đồng Shura (tức Thượng viện Ai Cập) ngày 22/7 quyết định triệu tập một phiên họp tại một điểm biểu tình của phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi, bất chấp việc cơ quan này đã bị chính quyền lâm thời giải tán.

Cũng trong ngày hôm qua, tổ chức Anh em Hồi giáo một lần nữa yêu cầu phục chức cho ông Moris như một "lối thoát" giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Trong một tuyên bố, lực lượng này cho biết một khi được phục hồi chức vụ, ông Morsi sẽ khởi động một "sáng kiến cải cách", trong đó có việc tổ chức bầu cử Hạ viện, tiến hành sửa đổi Hiến pháp, ban hành quy tắc đạo đức của các cơ quan truyền thông, đồng thời tổ chức đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị nhằm thảo luận và tìm kiếm đồng thuận về các vấn đề còn bế tắc.

"Liên minh dân tộc Ủng hộ tính hợp pháp" - một tổ chức vừa được thành lập do tổ chức Anh em Hồi giáo dẫn đầu và quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo - hôm qua đã tổ chức các cuộc tuần hành nhằm phản đối vụ "sát hại" ba phụ nữ tham gia biểu tình ngày 19/7 tại tỉnh Mansoura.

Ngoài các cuộc biểu tình kéo dài kể từ sau khi ông Morsi bị lật đổ, tình trạng bạo lực tiếp tục gia tăng tại bán đảo Sinai, giáp với Israel và dải Gaza. Truyền thông Ai Cập hôm nay đưa tin, 6 người đã bị thiệt mạng, trong đó có 2 quan chức quân đội và 2 nhân viên cảnh sát và 11 người khác bị thương trong một loạt vụ tấn công đêm qua nhằm vào các trạm kiểm soát và chốt kiểm tra an ninh tại các thành phố chính ở bán đảo Sinai.

Một người dân địa phương cho biết: “Chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng súng gần một đồn cảnh sát và trên đường phố. Chúng tôi cũng nghe thấy súng nổ gần một cơ quan cảnh sát, điều này cho thấy có sự phối hợp tấn công. Binh sỹ bị thiệt mạng đội mũ bảo hiểm và bị một kẻ bắn tỉa ở trước Ngân hàng quốc gia Ai Cập. Nhiều người lo lắng về tình hình hiện nay ở Bắc Sinai”.

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự, lực lượng phiến quân Hồi giáo đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào cảnh sát và quân đội ở tỉnh Bắc Sinai. Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, ít nhất 11 nhân viên an ninh đã bị thiệt mạng tại khu vực bất ổn này kể từ ngày 3/7./.