Một ngày sau khi được thành lập theo quyết định của Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour, ngày 21/7, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp Ai Cập gồm 10 thành viên đã tiến hành phiên họp đầu tiên tại trụ sở Hội đồng Tư vấn quốc gia (tức Thượng viện).

Các nguồn tin báo chí Ai Cập và khu vực cho biết, tại cuộc họp đầu tiên này, 10 thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp Ai Cập gồm 6 thẩm phán và 4 giảng viên các trường Đại học, đã nhất trí dành 1 tuần để tiếp nhận mọi đề xuất và đóng góp về việc sửa đổi Hiến pháp, bắt đầu từ ngày 21/7; đồng thời quyết định một lịch làm việc cụ thể hàng tuần của Ủy ban. Ông Ali Saleh, cố vấn của Tổng thống lâm thời Ai Cập về các vấn đề Hiến pháp khẳng định, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp hoạt động hoàn toàn độc lập, không chịu sức ép hay sự chỉ thị từ bất kỳ bên nào. Ủy ban sẽ làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, xử lí các ý kiến khác biệt theo nguyên tắc "tiểu số phục tùng đa số" và không bầu người đứng đầu Ủy ban.

Theo quy định tại điều 29 của Tuyên bố Hiến pháp do Tổng thống lâm thời Adli Mansour công bố, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp gồm 10 thành viên, hay còn gọi là Ủy ban các chuyên gia, có tối đa 30 ngày (kể từ ngày được thành lập), để xây dựng một Đề án Sửa đổi Hiến pháp để trình lên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp mở rộng gồm 50 thành viên là đại diện của các phe phái và lực lượng chính trị, thanh niên trong nước.

Ủy ban sửa đổi Hiến pháp mở rộng có tối đa 2 tháng (kể từ ngày nhận được Đề án) để xem xét, thông qua và trình Đề án Sửa đổi Hiến pháp lên Tổng thống lâm thời. Đến lượt mình, Tổng thống lâm thời có tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được Đề án Sửa đổi Hiến pháp, để xem xét và quyết định tổ chức trưng cầu dân ý.

cuoc-hop-dau-tien.jpg
Chính phủ lâm thời Ai Cập vừa được thành lập hồi tuần trước, đã tiến hành phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hazim Beblawi. ảnh: Reuters.

Cũng trong ngày 21/7, Chính phủ lâm thời Ai Cập vừa được thành lập hồi tuần trước, đã tiến hành phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hazim Beblawi. Tại cuộc họp, Nội các lâm thời Ai Cập đã xây dựng 3 Dự thảo nghị quyết luật gồm Dự thảo nghị quyết luật về xóa bỏ một số hình phạt đối với tội danh xúc phạm Tổng thống Cộng hòa, Dự thảo nghị quyết luật về sửa đổi luật tổ chức báo chí và Dự thảo nghị quyết luật về tái cơ cấu Hội đồng Nhân quyền quốc gia. Các Dự thảo nghị quyết luật này sẽ được trình lên Hội đồng Nhà nước Ai Cập xem xét, trước khi trình lên Tổng thống Cộng hòa phê chuẩn.

Các phiên họp đầu tiên của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và Chính phủ mới của Ai Cập hôm 21/7, diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối Chính quyền mới và kêu gọi phục chức cho Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương của Ai Cập, đặc biệt là ở thủ đô Cairo.

Tổ chức Anh em Hồi giáo (tiền thân của Đảng Tự do và Công lí của ông Morsi) khẳng định, chiến dịch biểu tình sẽ chỉ kết thúc khi ông Morsi được khôi phục chức vụ. Quyết tâm theo đuổi mục tiêu này, chiều 21/7, Anh em Hồi giáo đã công bố một sáng kiến giải quyết khủng hoảng với điều kiện tiên quyết cho việc bắt đầu mọi tiến trình đối thoại và hòa giải, là khôi phục chức Tổng thống Cộng hòa cho ông Morsi. Các lực lượng ủng hộ Chính quyền mới tại Ai Cập cho rằng, yêu sách của Tổ chức Anh em Hồi giáo là phi thực tế, đồng thời kêu gọi Tổ chức Anh em Hồi giáo chấp nhận sự thật, tôn trọng y nguyện của người dân và thực hiện hòa giải dân tộc.   

Giới phân tích nhận định, nỗ lực hòa giải dân tộc và bình ổn xã hội của Chính quyền Ai Cập sẽ gặp nhiều thách thức lớn, chủ yếu xuất phát từ sự cự tuyệt hợp tác của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Mặc dù vậy, cơ hội cho việc vượt qua những thách thức này luôn tồn tại và dường như đang ngày càng được củng cố. Cùng với việc tiến trình sửa đổi Hiến pháp đã chính thức bắt đầu, căn cứ rõ nét nhất cho đánh giá có phần lạc quan này là những tín hiệu tích cực đã liên tiếp xuất hiện trên thị trường chứng khoán, thị trường giao dịch ngoại tệ, nỗ lực thu hút du khách quốc tế, bình ổn giá lương thực và nguồn cung cấp nhiên liệu thiết yếu trên toàn lãnh thổ Ai Cập thời gian qua./.