Tình hình Ai Cập tiếp tục diễn biến phức tạp kể từ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội phế truất cách đây hơn 2 tuần. Căng thẳng leo thang khi phe Hồi giáo Ai Cập tuyên bố sẽ biểu tình cho đến khi nào ông Morsi được phục chức.

Chiều qua, hàng trăm nghìn người Hồi giáo đã đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành trên khắp thủ đô Cairo nhằm phản đối cuộc đảo chính quân sự lật đổ vị Tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập. Giao thông bị tê liệt hoàn toàn tại các địa điểm phe Hồi giáo tổ chức tuần hành. Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi cũng tham gia biểu tình tại nhiều tỉnh thành khác.

morsi1.jpg
Biểu tình ở Ai Cập vẫn gia tăng (Ảnh: AP)

Người phát ngôn Tổ chức Anh em Hồi giáo Ahmed Aref cho biết: “Phong trào trên đường phố diễn ra nhanh chóng. Mặc dù xe bus đã bị chặn lại, nhưng mọi người vẫn đổ về đây với các cuộc tuần hành hòa bình. Số người tham gia tuần hành trên đường phố lớn hơn so với kỳ vọng của các nhà lãnh đạo Liên minh quốc gia về bảo vệ tính hợp hiến. Nguyện vọng hòa bình của người dân sẽ được đáp ứng và không ai có quyền tước bỏ điều này”.

Văn phòng Hướng dẫn của tổ chức Anh em Hồi giáo đã phát hành tờ rơi kêu gọi những người ủng hộ leo thang biểu tình cho tới khi ông Morsi được phục chức.

Cùng ngày, hàng nghìn người biểu tình phản đối ông Morsi đã kéo tới Dinh tổng thống và quảng trường Tahrir ở Cairo để ăn mừng thành công của “làn sóng cách mạng” ngày 30/6 vừa qua và kỷ niệm chiến thắng của Ai Cập trong cuộc chiến tranh năm 1973 với Israel.

Quân đội Ai Cập đã phải huy động tối đa lực lượng ngăn chặn xung đột giữa hai phe biểu tình. Trực thăng và máy bay chiến đấu của quân đội liên tục quần đảo phía trên các địa điểm tập trung người biểu tình của phe Hồi giáo. Quân đội, cảnh sát cùng nhiều xe bọc thép được triển khai dày đặc xung quanh các địa điểm biểu tình, tuần hành của phe Hồi giáo.

Lực lượng an ninh Ai Cập cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ hành động bạo lực nào nhằm vào các cơ sở quân sự hoặc các thể chế nhà nước cũng như sẽ đáp trả “mạnh mẽ” âm mưu kích động các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi trong các cuộc biểu tình.

Cùng ngày, tân Bộ trưởng Phát triển địa phương của Ai Cập Adel Labib cho biết, lộ trình chính trị cho giai đoạn chuyển tiếp ở Ai Cập sẽ bắt đầu với việc sửa đổi Hiến pháp, tiếp theo đó là tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống và Hội đồng địa phương.

Người phát ngôn quân đội Ai Cập xác nhận, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang kiêm Bộ trưởng Quốc phòng nước này Abdel-Fattah al-Sisi sẽ không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Tuyên bố được đưa ra sau các tin truyền thông Ai Cập cho biết ông Sisi, cũng giống như tất cả các công dân khác, có quyền tranh cử Tổng thống sau khi nghỉ hưu.

Trước những diễn biến bất ổn tại Ai Cập, Cao ủy Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền Navi Pillay đã gửi văn bản tới nhà chức trách Ai Cập, yêu cầu giải trình về việc bắt giữ cựu Tổng thống Morsi và những người khác sau vụ đảo chính.

Người phát ngôn Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc Rupert Colville ngày 19/7 cho biết, cho đến nay cơ quan này chưa nhận được phản hồi của chính quyền lâm thời Ai Cập về lá thư trên: “Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền đã có cuộc gặp Đại sứ Ai Cập tại Geneva và yêu cầu cung cấp những thông tin về danh sách tên những người bị truy nã liên quan các vụ việc trước và sau ngày 3/7, thông tin liên quan ủy ban được thành lập bởi chính quyền lâm thời để điều tra về các nạn nhân thiệt mạng ngày 8/7”.

Trước đó, chính phủ Mỹ coi việc chính quyền lâm thời Ai Cập bắt giữ ông Morsi và các thủ lĩnh tổ chức Anh em Hồi giáo là động cơ chính trị và cần có thêm thời gian để đánh giá việc quân đội phế truất ông Morsi có phải là hành động đảo chính hay không.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 19/7 đã gặp Đại sứ Ai Cập tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về tình hình hiện tại của Ai Cập. Ngoại trưởng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ "không phản đối bất cứ tổ chức hay phong trào cụ thể nào" và nhấn mạnh sự "ủng hộ trên nguyên tắc với nền dân chủ và ý nguyện của người dân Ai Cập./.