Đây được cho là nỗ lực của hai bên và các phe trung gian nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay tại nước Nam Mỹ này. Tại cuộc đối thoại hai bên tập trung thảo luận trong các vấn đề như đảo bảo an ninh, chủ quyền và tôn trọng nhà nước pháp quyền; khắc phục tình hình kinh tế khó khăn của đất nước và lộ trình các cuộc bỏ phiếu. 

nicolas_maduro_2623765b_fsvl.jpg
Tổng thống Nicolas Maduro. (ảnh: venezuelanalysis.com).

Phát biểu trước khi hai bên tiếp tục đối thoại, dưới sự trung gian hòa giải của Tòa thánh Vatican và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định, đại diện của chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp với đại đa số người dân Venezuela, nhằm đảm bảo hòa bình cho đất nước.

Phái đoàn của Chính phủ gồm Thị trưởng Caracas Jorge Rodríguez, Ngoại trưởng Delcy Rodríguez, Nghị sĩ Elías Jaua và cựu Đại sứ Venezuela tại Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Roy Chaderton.

Trong khi đó, đại diện phe đối lập gồm 4 thành viên, trong đó có Tổng Thư ký liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) Jesús Torrealba.

Đây là lần thứ hai, chính phủ và phe đối lập nhóm họp sau khi bàn đàm phán được khởi động lần đầu vào ngày 30/10 sau những nỗ lực thúc đẩy đối thoại của Giáo hoàng Francis và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ. Sau đó, phe đối lập đã ra tối hậu thư về việc sẽ rời khỏi bàn đàm phán tới nếu chính phủ không đáp ứng những đòi hỏi mà phe này đề ra như tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Tổng thống Maduro đã bác bỏ tối hậu thư này bởi cho rằng Hiến pháp Venezuela không quy định, nhưng ông đã ra lệnh trả tự do cho một số tù nhân đối lập bị bắt giữ vì gây bạo loạn.

“Không thể đưa ra một tối hậu thư cho cuộc đàm phán hòa bình. Không ai có thể nói rằng, trong vòng 10 ngày chính phủ không đáp ứng được những gì họ muốn thì sẽ đi đến chiến tranh, không ai có thể chấp nhận được điều đó. Điều này không thể được thảo luận tại bàn đàm phán”, Tổng thống Maduro nói. 

Trước đó, Ủy ban Bầu cử quốc gia đã đưa ra lộ trình tổ chức bầu cử địa phương vào giữa năm 2017, chậm nửa năm so với dự kiến, qua đó bầu các thị trưởng vào cuối năm tới và bầu cử Tổng thống vào năm 2018 để chính phủ mới lên cầm quyền từ đầu năm 2019.

Tuy nhiên, phe đối lập tỏ ra gấp gáp vì thời gian hiện là yếu tố then chốt đối với họ. Nếu cuộc trưng cầu ý dân về việc truất quyền Tổng thống Maduro diễn ra vào năm sau thì Phó Tổng thống, người cùng đảng với ông Maduro sẽ lên nắm quyền, nghĩa là không có một cuộc bầu cử trước thời hạn để phe đối lập có cơ hội cạnh tranh chiếc ghế Tổng thống.

Vì vậy, theo các nhà phân tích chính trị nhận định, nếu cuộc đàm phán lần này hai bên không thống nhất được lộ trình cho cuộc bỏ phiếu thì các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức sẽ tiếp tục nổ ra và đất nước Venezuela chưa thể tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị./.