Trong khi các nước phương Tây và các quốc gia Arab kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thúc đẩy tiếp cận viện trợ Syria, ngày 5/6, Nga cho biết việc kêu gọi này là sai thời điểm.
Mâu thuẫn trong nội bộ Liên Hợp Quốc
Reuters dẫn tuyên bố của Liên Hiệp Quốc cho biết, gần một nửa dân số Syria (9,3 triệu người) đang cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, Phó Tổng thư kí Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Valerie Amos nhiều lần bày tỏ sự thất vọng rằng nạn bạo lực và quan liêu đã làm chậm phân phối viện trợ nhân đạo cho Syria.
Người tỵ nạn Syria (Ảnh: Reuters) |
Bởi thế, sau nhiều tháng đàm phán, ngày 2/10, Hội đồng Bảo an đưa ra lời tuyên bố không ràng buộc kêu gọi tạo điều kiện cho việc tiếp cận viện trợ Syria. Nhưng lời tuyên bố này chỉ giúp đỡ được một phần về mặt hành chính, ví dụ như việc cấp thị thực cho nhân viên cứu trợ hay giải phóng mặt bằng cho các đoàn xe.
Reuters đưa tin, sau vòng đàm phán đầu tiên ở Geneva II vào tuần trước, các quốc gia phương Tây và Arab cho biết họ đã lên kế hoạch tiến tới một nghị quyết ràng buộc về mặt pháp lý cho việc tiếp cận viện trợ tại Syria.
Các nhà ngoại giao phương Tây tuyên bố, một bản dự thảo nghị quyết có thể được gửi đến các nước thành viên vào đầu tuần này.
Tuy nhiên, ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga ở Liên Hợp Quốc tuyên bố rõ lập trường của Nga vào ngày 5/6: "Chúng tôi tin rằng đây là một động thái không thích hợp".
Nga có quyền phủ quyết
Nga- đồng minh thân cận của Syria đã 3 lần sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để ngăn chặn các hành động chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, Hội đồng Bảo an đang soạn thảo một bản dự thảo nghị quyết bao gồm hầu hết các khía cạnh trong tuyên bố tháng 10 của Hội đồng Bảo an, theo đó Liên Hợp Quốc sẽ kêu gọi Syria cho phép giao hàng viện trợ qua biên giới và kêu gọi các hai bên tạm ngừng chiến giúp đoàn xe viện trợ nhân đạo. Bản dự thảo cũng sẽ kêu gọi tạo điều kiện để đoàn viện trợ có thể tiếp cận đến các khu vực bị bao vây như thành phố Homs.
Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của Liên Hợp Quốc: “Chúng tôi không nhắm đến quyền phủ quyết của Nga. Chúng tôi đang hướng tới một giải pháp tất cả mọi người đều có thể đồng ý. Đó là những gì chúng tôi muốn”.
Nhưng đại diện của Nga, ông Churkin cho rằng cần tổ chức nhiều phiên thảo luận hơn nữa trước khi xem xét đến một nghị quyết về tiếp cận viện trợ.
Ông Churkin nói: “Chúng tôi đã làm việc nhiều lần với các cơ quan nhân đạo, với bà Valerie Amos và tôi tin rằng đã đạt được một vài kết quả”./.