Chính phủ Pakistan và Lực lượng Taliban ngày 6/2 lần đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp đưa đất nước ra khỏi bóng đen bạo lực trong suốt 7 năm qua. Bất chấp những nghi ngờ về cơ hội thành công của vòng đàm phán, Chính phủ Pakistan và lực lượng Taliban kêu gọi chấm dứt bạo lực - rào cản của tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á này.        

Vòng đàm phán đầu tiên giữa đại diện Chính phủ Pakistan và lực lượng nổi dậy Tehreek-e-Taliban- một nhánh của lực lượng Taliban tại Pakistan - đã kéo dài trong 4 giờ đồng hồ tại tòa nhà Chính phủ ở Thủ đô Islamabad. Hai bên nhất trí tiếp tục đàm phán và các cuộc thảo luận có thể sẽ diễn ra theo khuôn khổ hiến pháp Pakistan. 

taliban_copy.jpg
Các chiến binh Taliban tại Pakistan (Ảnh AFP)

Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được sẽ chỉ được áp dụng tại các khu vực bạo lực bất ổn, chứ không phải trên cả nước Pakistan. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif không có mặt tại vòng đàm phán ngày 6/2, trong khi phái đoàn đàm phán của Tehreek-e-Taliban sẽ trở về “căn cứ địa” Waziristan, phía Tây Bắc Pakistan, để thông báo chi tiết cuộc gặp với các thủ lĩnh Taliban.

Nội dung chính của cuộc đối thoại là phác thảo lộ trình cho các cuộc hòa đàm trong tương lai và các bên nêu ra những yêu cầu của mình. Hai bên cũng đặt ra yêu cầu tổ chức đàm phán trực tiếp ở cấp cao nhất. Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Pakistan do Thủ tướng Nawaz Sharif chỉ định, ông Irfan Siddiqui, mô tả vòng đàm phán đầu tiên với Taliban có bầu không khí chân thành và có tiến triển.

Ông Irfan Siddiqui nói: “Tôi kỳ vọng vào cuộc đàm phán này. Tôi đã thấy được kết quả của cuộc thảo luận và bầu không khí làm việc “cởi mở”. Chúng tôi đã quyết định tiếp tục việc đàm phán có ý nghĩa. Chúng tôi đã đưa ra những yêu cầu với phía Taliban và phái đoàn đàm phán của họ sẽ sớm thông báo phản hồi, cũng như những yêu cầu của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại bàn đàm phán để làm việc cụ thể hơn”.

Những nỗ lực trước đây của Chính phủ Pakistan nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với lực lượng nổi dậy đều thất bại do bạo lực liên tiếp. Đàm phán lâm vào ngõ cụt cũng tạo thời cơ để các nhóm nổi dậy chiêu mộ thêm lực lượng và trở lại với các cuộc tấn công trả đũa mạnh mẽ hơn.

Vòng đàm phán đầu tiên này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Pakistan sẵn sàng mở các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Taliban sau hàng loạt cuộc đánh bom liều chết thời gian qua. Riêng trong tháng đầu năm nay, hơn 100 người, trong đó có nhiều binh sỹ Pakistan, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công do Taliban thực hiện.

Từ năm 2007, nhóm Tehreek-e-Taliban đã mở rộng hoạt động chống phá chính quyền Pakistan. Nhóm này cũng đứng sau nhiều vụ đánh bom và tấn công đẫm máu vừa qua. Khởi động hòa đàm với Taliban, Thủ tướng Nawaz Sharif bày tỏ tin tưởng hai bên sẵn sàng để chấm dứt bạo lực vì sự ổn định của đất nước.

Mỹ và các nước láng giềng đang theo dõi chặt chẽ tiến trình hòa đàm tại Pakistan. Nhiều ý kiến hoài nghi về triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Chính phủ Pakistan và Taliban, vốn sẽ góp phần làm gia tăng bất ổn và bạo lực trong khu vực. Đặc biệt, khi lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014.

Trong suốt nhiều năm qua, Pakistan phải hứng chịu những chỉ trích của Mỹ và nước láng giềng Afghanistan liên quan đến việc nhiều tay súng Taliban từ Afghanistan đang ẩn náu tại nước này, đồng thời yêu cầu Pakistan đẩy mạnh các chiến dịch truy quét khủng bố.

Sức ép từ trong nước và bên ngoài đang ngày càng đè nặng lên chính quyền Thủ tướng Nawaz Sharif. Dư luận Pakistan thì không cho rằng "cuộc đàm phán giữa Chính phủ với lực lượng nổi dậy - vẫn đang thực hiện các tấn công mỗi ngày - sẽ có thể thành công"; đồng thời yêu cầu Chính phủ Pakistan cần có hành động dứt điểm đối với lực lượng Taliban./.