Đây là khẳng định của Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề vùng Vịnh và Arab Timothy Lenderking tại một diễn đàn an ninh diễn ra hôm nay (9/12) tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề vùng Vịnh và Arab Timothy Lenderking. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Tại diễn đàn, ông Lenderking thừa nhận, chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với sức ép lớn hoặc phải rút khỏi xung đột hoặc không tiếp tục ủng hộ liên minh quân sự này. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ tin rằng, sự ủng hộ liên minh quân sự ở Yemen là cần thiết. Việc không tiếp tục ủng hộ sẽ gửi đi một thông điệp sai lầm. Lời trấn an của đại diện Chính phủ Mỹ về sự hỗ trợ của Mỹ đối với liên minh quân sự ở Yemen diễn ra trong bối cảnh tại Thụy Điển vừa khai mạc cuộc hòa đàm Yemen do Liên Hợp Quốc bảo trợ với sự tham gia của các phe phái đối địch ở Yemen và trong ngày 9/12 tại Saudi Arabia sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng bàn về cuộc chiến tại quốc gia nghèo nhất xứ Arab này.
Kể từ ngày 2/10 vừa qua, sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Mỹ đã phải đối mặt với sức ép lớn. Thượng viện Mỹ hồi tháng trước đã bỏ phiếu thúc đẩy một nghị quyết chấm dứt sự ủng hộ quân sự của Mỹ, kể cả bán vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo cho liên minh quân sự Arab được phương Tây hậu thuẫn can thiệp vào cuộc chiến ở Yemen. Tháng 11/2018, Mỹ cũng đã phải dừng tiếp nhiên liệu cho máy bay của liên quân vốn bị chỉ trích gây ra cái chết của hàng nghìn dân thường ở Yemen.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận. Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi./.
Hòa đàm Yemen: Khởi đầu mới được kỳ vọng
Hòa đàm Yemen được nối lại sau 2 năm: Cơ hội và Thách thức