Người dân Yemen, khu vực và cả thế giới đều đang dõi theo sự kiện được đánh giá là “Cơ hội then chốt” và “cột mốc quan trọng” để chấm dứt cuộc nội chiến 4 năm qua tại quốc gia “nghèo nhất” Trung Đông này.
Hòa đàm Yemen được coi là khởi đầu mới được cả thế giới và người dân quốc gia này kỳ vọng. Ảnh: Reuters |
Với nhiều nỗ lực của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Đặc phái viên Martin Griffiths, các bên đối địch Yemen, một bên là Chính phủ, một bên là lực lượng nổi dậy Houthi đã bước vào bàn đàm phán sau khi nhiều bước đi xây dựng niềm tin đã được thực hiện như: trao đổi tù bình, việc Houthi ngừng bắn tên lửa nhằm vào các nước thành viên liên quân Arab, hay việc cho phép các thành viên Houthi bị thương ra nước ngoài chữa trị.
Thụy Điển là quốc gia tổ chức vòng hòa đàm Yemen, được nối lại sau 2 năm. Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom hy vọng các bên Yemen sẽ đàm phán một cách có trách nhiệm, để cứu vãn thảm kịch nhân đạo thảm khốc đang diễn ra tại quốc gia Trung Đông này và có nguy cơ sẽ còn tồi tệ hơn:
“Thụy Điển đang hỗ trợ đầy đủ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc và Đặc phái viên về một giải pháp cho cuộc xung đột Yemen. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục là bên thứ 3 được tổ chức các hội nghị cấp cao cho Yemen, sau Thụy Sĩ và Liên Hợp Quốc vào đầu năm 2019”, ông Wallstrom nói.
Từ New York, Mỹ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi các bên Yemen đàm phán một cách vô điều kiện, bày tỏ thiện chí và đối thoại mềm dẻo để vòng hòa đàm có thể đạt tiến bộ. Còn với riêng Đặc phái viên Martin Griffiths, đây mới một sự khởi đầu “thành công” cho tiến trình đối thoại để tìm ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề.
Ông Griffiths chia sẻ: “Chúng tôi, các nhà hòa đàm Yemen, đang có mặt tại đây. Đó là một thành công lớn. Nhưng chúng tôi còn tham vọng nhiều hơn thế. Hơn hết, chúng tôi muốn phác thảo ra một giải pháp cuối cùng và đánh giá các bước đi của chúng tôi giờ đây liệu có đúng hướng hay không”.
Theo ông Martin Griffiths, đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Yemen và các bên đối địch sẽ phải tự quyết định số phận tương lai của mình. Hiện, cả lãnh đạo Chính phủ Yemen lẫn lực lượng Houthi đều mong muốn vòng hòa đàm kết thúc sẽ giúp tình hình Yemen thời gian tới “giảm bạo lực”. Đây cũng chính là kỳ vọng của hàng triệu người dân Yemen.
Được biết, vòng hòa đàm Yemen lần này không ấn định thời gian kết thúc. Tại phiên họp đầu tiên vào chiều qua (6/12), các bên Yemen đã đạt được thỏa thuận về trao đổi hàng nghìn tù binh. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, ít nhất 5.000 tù binh sẽ được thả tự do với thỏa thuận mới đạt được này.
Theo kế hoạch, một số bước đi mới trong việc xây dựng lòng tin giữa các bên, việc mở cửa không phận sân bay quốc tế Sana’a cũng như việc quản lý cảng biển Hodeidah sẽ được thảo luận trong những ngày tới.
Theo Đặc phái viên Martin Griffiths, Liên Hợp Quốc sẵn sàng đóng một vai trò đối với Cảng Hodeidah, nếu các bên Yemen chấp thuận. Hiện Liên Hợp Quốc muốn đưa Cảng Hodeidah ra khỏi cuộc chiến do những lo ngại xung đột tại đây sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới vấn đề nhân đạo trên toàn đất nước Yemen./.
Hòa đàm Yemen được nối lại sau 2 năm: Cơ hội và Thách thức
Yemen lần đầu đàm phán cho hòa bình