Ủy ban Bầu cử và Trưng cầu ý dân Tối cao (IHERC) của khu vực người Kurd cùng ngày thông báo sẽ bãi bỏ yêu cầu về thẻ phân phối, được sử dụng như một thứ giấy tờ cần thiết của thành viên các cộng đồng người Kurd sinh sống bên ngoài lãnh thổ Iraq, để chuyển sang phương thức đăng ký bỏ phiếu điện tử. Theo cơ quan này, việc đăng ký tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới sẽ được tiến hành cho tới ngày 25/9.

kurd_llmj.jpg
Người Kurd xuống đường biểu tình ủng hộ việc trưng cầu ý dân đòi độc lập. Ảnh: AP

Người phát ngôn Ủy ban Bầu cử và Trưng cầu ý dân Tối cao Shirwan Zirar cho biết, sau khi có ý kiến đề nghị thay đổi từ nhiều người Kurd thuộc các cộng đồng phân tán bên ngoài khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq, điều kiện liên quan đến thẻ phân phối đã được sửa đổi.

Nhiều người Kurd sinh sống bên ngoài lãnh thổ Iraq phàn nàn rằng họ không có thẻ phân phối, khiến họ không thể đăng ký tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực người Kurd.

Trước đó ngày 7/6, chính quyền khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq thông báo có kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu về độc lập của người Kurd vào ngày 25/9.

Theo ông Masoud Barzani, người đứng đầu khu tự trị người Kurd tại Iraq, tuyên bố sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd đúng kế hoạch vào ngày 25/9 tới.

“Chúng ta tham gia cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo và tôi nghĩ rằng, Chính phủ Baghdad nên để chúng ta thành lập một nhà nước, nhưng họ lại chống lại chúng ta. Chúng ta sẽ quyết không để ý đến họ, cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra đúng kế hoạch”, ông Barzani nói.

Ông Barzani cũng cho biết sẵn sàng đối thoại với chính quyền Iraq sau cuộc trưng cầu ý dân này, đồng thời nhấn mạnh nếu có một lựa chọn thay thế cuộc trưng cầu nhằm giúp đạt được tất cả các mục tiêu thì người dân sẽ chấp nhận.

Tuy nhiên, Chính phủ Iraq đã lên tiếng chỉ trích động thái trên, nêu rõ sự lãnh đạo ở Iraq được thực hiện theo hiến pháp, lấy hiến pháp làm cơ sở để xác định quan hệ giữa Chính phủ liên bang và khu vực người Kurd. Vì vậy, bất cứ quyết định nào liên quan đến tương lai của Iraq phải tính đến các điều khoản hiến pháp.

Chính vì thế, Tòa án Tối cao Iraq cho biết đã ra lệnh đình chỉ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trên cho tới khi xem xét những đơn kiện mà tòa án nhận được cho rằng cuộc trưng cầu ý dân này là vi hiến.

Ngoại trưởng Ibrahim al-Jaafari cho rằng, các nhà lãnh đạo người Kurd Iraq cần chuẩn bị để đối mặt với hậu quả nếu họ đơn phương tuyên bố độc lập sau khi tổ chức trưng cầu ý dân.

“Vấn đề không phải là cuộc trưng cầu ý dân có diễn ra hay không mà mức độ ảnh hưởng của nó đối với Iraq, khu vực và quốc tế. Thực tế cho thấy cho thấy không chỉ Chính phủ Iraq phản đối cuộc trưng cầu ý dân này mà còn nhiều nước khác cũng phản đối”, ông al-Jaafari nói.

Người Kurd chiếm khoảng 20% dân số Iraq đã đòi quyền tự quyết từ nhiều thập niên qua. Chính quyền Iraq và các nước láng giềng lo ngại việc trưng cầu ý dân sẽ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, kích động các cộng đồng người Kurd trong khu vực có động thái tương tự.

Giới phân tích cho rằng, sau khi dẹp xong hiểm họa IS, vấn đề người Kurd sẽ trở thành một chuyện phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nơi cũng có đông người Kurd sinh sống thì chắc chắn chẳng nhân nhượng. Nếu Iraq và cộng đồng quốc tế xử lý không khéo léo, Iraq sẽ bị chia năm xẻ bảy và có nguy cơ rơi vào nội chiến.

Thêm vào đó là quan điểm “nhập nhằng” của Mỹ về vấn đề người Kurd đã khiến vấn đề người Kurd đang được xem như một "quả bom" nổ chậm khác của khu vực Trung Đông vốn đã phức tạp bởi sự can thiệp của nước ngoài./.