Trước leo thang bạo lực tại Papua liên quan đến vấn đề đói tách ra khỏi Indonesia, Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia, ông Mahfud MD khẳng định, chính phủ nước này sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến mong muốn trả tự do cho Papua.

Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày hôm qua, Bộ trưởng Mahfud cho biết, đối với chính phủ Indonesia, sự thống nhất của Papua, trong đó có tỉnh Papua và Tây Papua với Cộng hòa Indonesia là kết quả cuộc trưng cầu dân ý Papua năm 1963 do Liên Hợp Quốc tiến hành và không có sự đàm phán nào cho vấn đề này.

Tuyên bố này của Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia đưa ra nhằm đáp trả các cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh quốc gia và nhóm tội phạm có vũ trang ở Intan Jaya, Papua trong những ngày gần đây khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, trong đó có hai sĩ quan quân đội quốc gia, một dân thường và một linh mục. Ông cho biết, chính phủ sẽ lập nhóm điều tra nguyên nhân cái chết của các nạn nhân nhằm tìm hiểu rõ các cuộc xung đột tại Papua gần đây.

Bạo lực tại Papua có xu hướng ngày một gia tăng từ ngày 1/12/2019, ngày kỉ niệm phong trào đòi độc lập của Papua. Thậm chí, các cuộc biểu tình và  bạo lực còn liên tục gia tăng vào thời điểm diễn ra phiên họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua. Các cuộc biểu tình phản đối việc mở rộng quyền tự trị đặc biệt cho Papua đã nổi lên ở tỉnh cực đông của Indonesia, cũng như một thành phố lớn khác. Những người biểu tình đã bác bỏ kế hoạch gia hạn luật tự trị đặc biệt, mà theo họ là không giúp ích gì cho người dân Papua. 

Theo luật, quyền tự trị đặc biệt cho các tỉnh Papua và Tây Papua sẽ kết thúc vào năm 2021. Một nhóm vũ trang trong khu vực cũng cho biết họ sẽ phản đối việc gia hạn quyền tự trị đặc biệt cho Papua và Tây Papua. Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia, ông Mahfud MD cho biết luật này không cần phải gia hạn để duy trì hiệu lực.Chính phủ Indonesia chỉ cần sửa đổi một số điều khoản liên quan đến việc gia hạn quỹ tự trị đặc biệt, chứ không phải bản thân tình trạng, đồng thời sẽ sửa đổi việc chia Papua thành 5 tiểu vùng chứ không phải 2 như trước đây.

Trước đó, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu đánh giá các quỹ tự trị đặc biệt cho tỉnh Papua và Tây Papua. Kể từ năm 2002 đến nay, quỹ này đã cung cấp tổng cộng 94 nghìn tỷ Rupiah cho chính quyền tỉnh Papua và Tây Papua ./.