Hơn một nửa nền kinh tế của Bali, Indonesia phụ thuộc trực tiếp vào du lịch và hầu hết người dân đều tham gia vào các hoạt động liên quan đến du lịch, như vận chuyển khách, cung cấp thực phẩm cho khách sạn, nhà hàng...Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến những người dân Bali rơi vào cảnh thất nghiệp, buộc họ phải tìm hướng đi bền vững hơn, trở về với nghề nuôi trồng rong biển truyền thống để lo cho gia đình.
Với dân số 4,4 triệu và diện tích gấp 8 lần kích thước của Singapore, Bali được mệnh danh là thiên đường du lịch, với những bãi biển tuyệt đẹp, ruộng lúa bậc thang và thời tiết lý tưởng. Trong năm 2019, Bali có tới hơn 6 triệu du khách từ nước ngoài và 10 triệu người từ trong nước tới du lịch,đóng góp 116 nghìn tỷ rupiah cho nền kinh tế Indonesia. Tuy nhiên, các hạn chế du lịch do đại dịch Covid-19 đã đánh sập ngành công nghiệp không khói của Bali.
Theo dữ liệu chính thức của Hội đồng Du lịch Bali, trong tháng 9 vừa qua, gần như không có du khách quốc tế nào tới du lịch tại hòn đảo này, trong khi hầu hết các nhà hàng và quán bar ở đây vẫn đóng cửa. Điều này đã khiến nhiều người dân ở Bali trước đây vốn có thu nhập phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch, nay phải quay trở lại với nghề nuôi trồng rong biển truyền thống.
Ông Gede Darma Putra, 43 tuổi, trước là một huấn luyện viên lặn cho khách du lịch, cho biết: “Tôi cảm thấy rất buồn vì đã mất việc. Bây giờ, chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Dù muốn hay không vàđứng trước hoàn cảnh như hiện nay, chúng tôi phải tự nỗ lực để làm lại từ đầu. Tôi lạc quan mình vẫn có thể tồn tại với nghề nuôi trồng rong biển. Nhưng khi du lịch trở lại, tôi sẽ quay lại làm việc trong ngành du lịch, nhưng vợ tôi vẫn sẽ tiếp tục với nghề trồng rong biển”.
Mặc dù nhiều người dân Bali mong muốn hoạt động du lịch sớm quay trở lại, nhất là khi việc nuôi trồng rong biển được cho là khó khăn hơn và mang lại ít lợi nhuận hơn nhiều so với ngành du lịch, với thu nhập trung bình mỗi tháng chỉ khoảng gần 400 USD. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương cũng có sự nhìn nhận khác về các ngành nghề truyền thống. Đối với họ đây là một hướng đi bền vững, thay vì người dân quá phụ thuộc vào ngành du lịch bấp bênh như hiện nay. Ông Donny Nagasan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp biển Indonesia cho biết: “Rong biển là một trong những mặt hàng đang được khuyến khích, nhất là ở châu Âu. Hiện nay, các thành viên trong Hiệp hội đang nỗ lực lập kế hoạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường châu Âu và một số thị trường quốc tế khác, qua đó giúp các nhà sản xuất rong biển trong nước có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn”.
Hiện nay, Indonesia là quốc gia sản xuất rong biển lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng sản lượng rong biển của Bali chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong sản lượng chung của cả nước, do ngành công nghiệp này ở Bali đã mất dần đi kể từ năm 2010, khi du lịch bùng nổ và phát triển mạnh mẽ./.