Trong bối cảnh lãnh đạo cả 2 chiến dịch “Ra đi” và “Ở lại” tập trung tranh luận về vấn đề gai góc nhất là nhập cư và kinh tế, tại nhiều nước châu Âu đã diễn ra các chiến dịch gửi tình đoàn kết với hy vọng nước Anh ở lại với EU.

brexit_askg.jpg
Chính phủ Anh đang nỗ lực thuyết phục cử tri từ chối rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh minh họa AP

Dù một số thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ cử tri chọn ở lại với Liên minh châu Âu có dấu hiệu tăng trong những ngày gần đây, nhưng sự chia rẽ của nước Anh về vấn đề này nhìn chung vẫn khá rõ ràng.

Kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của Opinium/Observer trước ngày diễn ra trưng cầu ý dân 23/6, cho thấy, tỉ lệ ủng hộ Anh rời khỏi và ở lại Liên minh châu Âu hiện ngang bằng nhau là 44%, trong khi 10% chưa quyết định.

Càng gần đến ngày trưng cầu ý dân, tỷ lệ cử tri lưỡng lự lại càng tăng, chủ yếu là giới trẻ, những người bị tác động nhiều bởi các chiến dịch tuyên truyền trên các mạng xã hội và thường hay thay đổi chính kiến. Cả hai phe đang tận dụng những ngày ít ỏi còn lại để lôi kéo những cử tri còn do dự và thuyết phục các cử tri thay đổi lựa chọn của mình.

Tuy nhiên, cả 2 bên tỏ ra điềm đạm hơn trong các chiến dịch vận động bỏ phiếu sau cái chết của nữ Nghị sĩ Jo Cox, người ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu và là nhà vận động không mệt mỏi bảo vệ người nhập cư ở Anh.

Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh, các cuộc tranh luận nước rút sôi nổi không nên dựa trên sự không dung thứ, sự thù hằn và chia rẽ. Cùng “chiến tuyến” với nữ Nghị sĩ quá cố Jo Cox, Thủ tướng Cameron nêu rõ: “Kiểm soát nhập cư là một thách thức rất lớn. Phần lớn người nhập cư vào Anh đến từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu.

Dù ở trong châu Âu, tăng trưởng của những nước khác còn yếu nhưng điều đó đang thay đổi. Tôi cho rằng, có nhiều cách tốt để kiểm soát nhập cư khi có sự thay đổi này.

Trong khi đó, nếu rời khỏi thị trường chung này, chúng ta chỉ làm tổn hại nền kinh tế, đánh mất công ăn việc làm, ảnh hưởng đến các gia đình người Anh và đây không phải là cách tốt để kiểm soát nhập cư”.

Còn đại diện phe kêu gọi cử tri bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, lãnh đạo Đảng Vương quốc Anh Độc lập (UKIP) Nigel Farage lại cho rằng Liên minh châu Âu đã không kiểm soát làn sóng nhập cư một cách hợp lý và nhượng bộ sự an toàn của khối khi tiếp nhận cả những phần tử cực đoan về tôn giáo muốn tấn công các nước phương Tây.

Thế nhưng khác với ông Farage, cựu Thị trưởng London Boris Johnson dù kêu gọi cử tri bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng vẫn giữ khoảng cách với những ý kiến phản đối nhập cư.

“Tôi ủng hộ chính sách nhập cư và tôi tự hào là hậu duệ của những người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi ủng hộ việc ân xá cho những người nhập cư bất hợp pháp, những người đã sống ở đây hơn 12 năm qua”, ông Farage nói.

Trong khi cử tri Anh vẫn rối bời trước câu hỏi của cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, người dân nhiều nước châu Âu khác đã tổ chức những chiến dịch rất đặc biệt để vận động nước Anh ở lại ngôi nhà chung này.

Ngày 19/6 tại đấu trường La Mã (Colosseum) ở thủ đô Rome của Italy đã diễn ra sự kiện có tên là “chuỗi các nụ hôn”. Đại diện ban tổ chức Luca Nicotra cho biết: “Chúng tôi tổ chức hành động mang tính biểu tượng này, đó là một chuỗi các nụ hôn bắt đầu từ Rome, đến Berlin rồi Paris và kết thúc tại London với ý nghĩa gửi tình yêu đến nước Anh sau bi kịch về cái chết của nữ Nghị sĩ Jo Cox và cũng trong thời điểm quyết định về việc nước Anh sẽ ở lại với châu Âu hay ra đi”.

Vào những phút chót trước giờ trưng cầu ý dân ở Anh, khi quyết định cảm tính có thể lấn lướt quyết định lý tính, những hoạt động như thế này rất có thể sẽ lôi kéo sự đồng tình của 10% cử tri, chủ yếu là người trẻ tuổi ở Anh còn đang lưỡng lự.

Trước đó, các chuyên gia phân tích cũng nhận định, vụ sát hại nữ Nghị sỹ Jo Cox có thể sẽ thúc đẩy dư luận chọn Anh ở lại với Liên minh châu Âu nhiều hơn./.