Hôm 18/6, các phong trào vận động cử tri Anh bỏ phiếu ở lại hoặc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã được nối lại sau hai ngày tạm dừng do vụ ám sát nữ nghị sĩ Công đảng Jo Cox gây chấn động toàn nước Anh.

Cuộc vận động diễn ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ và phản đối nước Anh ở lại Liên minh châu Âu vẫn ở mức ngang nhau.

anh_chia_re_nqai.jpg
Nước Anh bị chia rẽ về việc ra khỏi hay ở lại EU. Ảnh: catholicherald

Kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của tổ chức Opinium/Observer trước ngày diễn ra trưng cầu dân ý 23/6 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và ở lại hiện ngang bằng nhau là 44%, trong khi 10% chưa quyết định.

Theo đó, trong cuộc thăm dò dư luận được Opinium/Observer thực hiện trực tuyến với hơn 2.000 người tham gia, 79% nói rằng họ sẽ không thay đổi ý định. Trong số những cử tri ủng hộ ở lại Liên minh châu Âu, 77% nói rằng họ sẽ không thay đổi trong khi tỷ lệ khẳng định sẽ "không dao động" ở phe ủng hộ Brexit là 81%. Trong số 10% số người được hỏi chưa có quyết định cuối cùng, 36% có xu hướng chọn ở lại và 28% có xu hướng chọn ra đi. Giới quan sát nhận định dù kết quả thế nào, cuộc trưng cầu dân ý cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh.

Hiện cả hai phe đang tận dụng những ngày ít ỏi còn lại để lôi kéo những cử tri còn do dự cũng như thuyết phục các cử tri thay đổi lựa chọn của mình.

Tuy vậy, trong bối cảnh dư luận Anh còn chưa hết bàng hoàng sau vụ sát hại nữ nghị sĩ Jo Cox- người ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu  và là nhà vận động không mệt mỏi bảo vệ người nhập cư ở Anh, cả hai phe cho biết họ sẽ thay đổi hình thức vận động theo hướng điềm đạm hơn. Trong khi đó, các chính khách Công đảng sẽ hoãn việc nối lại đầy đủ chiến dịch vận động sau khi các nghị sĩ trở lại Quốc hội ngày 19/6 để dự lễ tưởng niệm nghị sĩ Jo Cox.

Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, thảm kịch của Nghị sĩ Jo Cox có thể thay đổi tâm lý cử tri và tăng cơ hội để nước Anh tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu . Nhưng trong một kịch bản xấu nhất, nếu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, đây sẽ là một vụ “ly dị” đầy rắc rối khiến cả xứ sở Sương mù, Liên minh châu Âu và thậm chí là kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả lớn.

Ông Rana Mitter, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Oxford nói rằng, nếu Anh chọn rời khỏi khối, nước này sẽ trải qua những thay đổi cơ bản khiến vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế bị suy yếu: "Tôi tin rằng nước Anh sẽ mạnh mẽ nếu ở lại Liên minh châu Âu và Anh vẫn là một diễn viên chính ở châu Âu và trên thế giới. Nếu ở lại Liên minh châu Âu, nước Anh vẫn sẽ có tầm ảnh hưởng trong các lĩnh vực tài chính, kinh tế, chính trị và văn hóa trong khối".

Theo kế hoạch, ngày 23/6, các cử tri nước Anh sẽ phải quyết định việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý. Nếu các cử tri Anh quyết định rời khỏi "ngôi nhà" với 28 thành viên cũng đồng nghĩa với việc nước Anh phải "làm lại từ đầu" trong hàng loạt lĩnh vực, điều có thể đẩy Anh vào thời kỳ xáo trộn.

Chính phủ của Thủ tướng Cameron cảnh báo rằng khi người dân chọn con đường "dứt áo ra đi", nước Anh có thể sẽ phải mất tới 10 năm để giải quyết mọi vấn đề./.