Tình hình an ninh tại Chile tiếp tục diễn biến phức tạp khiến Tổng thống Chile Sebastian Piñera tuyên bố nước này sẽ rút khỏi việc đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 25) sắp tới. Các bên đang tích cực tìm địa điểm mới trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra các hội nghị quan trọng này.

chile_wudg.jpg
Tình hình an ninh tại Chile tiếp tục diễn biến phức tạp khiến Tổng thống Chile Sebastian Piñera tuyên bố nước này sẽ rút khỏi việc đăng cai Hội nghị APEC và COP 25 sắp tới. Ảnh: APEC Chile 2019

Hội nghị APEC dự kiến diễn ra vào ngày 16-17/11 tới và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vào ngày 2-13/12 tại thủ đô Santiago. Phát biểu thông báo quyết định, Tổng thống Pinera nhấn mạnh, đây là một quyết định rất khó khăn, nhưng Chile không còn phù hợp để tổ chức các hội nghị Thượng đỉnh quan trọng vào thời điểm này.

Ngoại trưởng Chile Teodoro Ribera cũng cho biết đất nước sẽ tập trung hơn vào vấn đề ổn định đất nước: “Đây không phải là vấn đề an ninh cho Hội nghị. An ninh chúng tôi vẫn có thể duy trì và ổn định. Nó còn là vấn đề chính trị. Trong bối cảnh trong nước có nhiều vấn đề, Tổng thống muốn tập trung giải quyết các vấn đề trong nước hơn là việc dành nhiều thời gian cho các hội nghị Thượng đỉnh quốc tế”.Chile đã rơi vào một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng sau khi chính phủ của Tổng thống Sebastian Piñera quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm, tạo cớ để các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình phản đối những chính sách xã hội bất công, cũng như những bất bình đẳng xã hội mà mô hình kinh tế của Chile tạo ra.

Các cuộc biểu tình kéo theo bạo loạn, cướp phá siêu thị và các cơ sở kinh doanh, đốt phá các ga tàu điện ngầm đã buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ.

Tổng thống Pinera hôm qua (30/10) cũng đưa ra các ưu tiên để giải quyết các vấn đề bất ổn của đất nước: “Trong bối cảnh hiện nay chúng tôi đang cân nhắc các ưu tiên hàng đầu của chính phủ: Trước hết là lập lại trật tự hoàn toàn về an ninh và hòa bình xã hội. Thứ 2 là thực hiện tất cả các chương trình nghị sự khẩn cấp đáp ứng yêu cầu chính của người dân và thứ 3 là thực hiện một cuộc đối thoại sâu rộng để lắng nghe các ý kiến, hướng tới một thỏa thuận cần thiết giúp thông qua các luật  mang lại động lực cho chương trình nghị sự xã hội mới”.Việc Chile hủy bỏ tổ chức hai hội nghị quan trọng khi còn chưa đầy 1 tháng nữa diễn ra khiến các bên liên quan đang khẩn cấp tìm kiếm địa điểm thay thế. Đối với Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Thư ký Điều hành Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc Patricia Espinosa cho biết đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Hội nghị có thể bị trì hoãn vì Chile rút đăng cai tổ chức trong thời gian quá ngắn. Theo một số nguồn tin, trụ sở của Liên Hợp Quốc tại các thành phố như New York, Geneva, Bonn, Vienna hay Nairobi đang nằm trong số các địa điểm thay thế.Trong khi đó, Hội nghị APEC dự kiến diễn ra vào ngày 16 và 17/11 tới với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế vẫn chưa có thông tin về địa điểm mới. Việc Chile hủy bỏ tổ chức Hội nghị APEC cũng khiến giới chuyên gia thương mại lo ngại có thể gây cản trở cho khả năng ký kết Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị APEC tại Chile. Nhà Trắng hôm qua (30/10) cho biết sẽ vẫn mong đợi ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào tháng tới, nhưng chưa tìm được địa điểm để hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể gặp và ký kết.

Theo một số nguồn tin, Nhà Trắng đưa ra đề xuất như Alaska hay Hawaii, trong khi phía Trung Quốc cho rằng Macau có thể là địa điểm thích hợp. Hiện cũng không có một hội nghị quốc tế trong tương lai gần để hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung có thể có cuộc gặp bên lề, vì Tổng thống Trump sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Thái Lan./.