“Giờ G” đã qua kể từ khi Tổng thống Mỹ  Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra các lựa chọn nhằm vào Syria, trong đó có cả việc đe dọa sẽ tấn công tên lửa. Chưa có hành động cụ thể nào được đưa ra sau 48 giờ đồng hồ căng thẳng, song dường như tình hình Syria vẫn không mấy giảm nhiệt, thậm chí còn nóng lên với những cáo buộc mới xoay quanh việc sử dụng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm qua khẳng định quân đội nước này nắm trong tay bằng chứng về sự tham gia trực tiếp của Anh trong việc sắp đặt vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ở Đông Ghouta. Vị quan chức này còn lên tiếng cáo buộc Anh đã "gây áp lực" buộc tổ chức bảo vệ dân sự "Mũ Bảo hiểm trắng" dàn dựng vụ việc trên - sự kiện dẫn tới việc Mỹ và một số đồng minh phương Tây đe dọa can thiệp quân sự mạnh mẽ vào Syria.

Ngay lập tức phía Anh đã lên tiếng phản bác về tuyên bố của giới chức quốc phòng Nga.

Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Karen Pierce khẳng định: “Tôi muốn nói về lời cáo buộc kì cục của Tướng Igor Konashenkov. Ông ấy nói rằng nước Anh đang đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma, đó là điều kì cục, là một trong số những tin giả mạo nhất mà chúng ta chưa từng thấy từ cỗ máy tuyên truyền của Nga. Tôi muốn nhân cơ hội này để tuyên bố dứt khoát với các bạn, với báo chí quốc tế, rằng nước Anh không liên quan và sẽ không bao giờ có bất cứ sự liên quan nào tới việc sử dụng vũ khí hoá học".

bo_quoc_phong_nga_da_sua_arqt.jpg
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov (Ảnh: 
Sputnik International)

Tình hình tại Syria đang hết sức rối ren khi Mỹ và các đồng minh dồn dập cáo buộc chính phủ Syria thực hiện vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma. Trong khi Nga và Syria đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời cho rằng đây là một kế hoạch được dàn dựng từ trước của phương Tây để lấy cớ can thiệp quân sự vào Syria.

Có lẽ chừng nào các cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria chưa được làm sáng tỏ, thì thế giới sẽ còn tiếp tục chứng kiến thêm nhiều màn đấu khẩu gay gắt về vấn đề này. Hiện các cuộc điều tra về vũ khí hóa học tại Syria vẫn đang được xúc tiến khẩn trương. Ủy ban Điều tra quốc tế độc lập về Syria hôm qua đưa ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo quản các bằng chứng liên quan đến vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thông báo nhóm điều tra viên quốc tế về vũ khí hóa học đầu tiên đã tới Syria và không lâu sau nhóm điều tra thứ hai cũng sẽ được triển khai tới quốc gia Trung Đông này.

Trước những cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Manuel de Oliveira Guterres cho rằng tình hình tại Trung Đông đang hết sức hỗn loạn mà trong đó cuộc chiến Syria là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế, liệu Mỹ và các đồng minh phương Tây có suy nghĩ lại về quyết định có hay không sử dụng đòn tấn công quân sự vào Syria.

Đặc biệt là về phía Mỹ, giới quan sát cho rằng, Washington cần thận trọng cân nhắc từng hành động của nước này khi can dự vào tình hình chiến sự tại Syria. Bởi lẽ sử dụng giải pháp quân sự để làm leo thang căng thẳng tình hình tại quốc gia vốn chìm trong nội chiến và bất ổn dai dẳng này liệu có mang lại lợi ích thực sự cho Mỹ hay không. Hay cái giá phải trả cho một cuộc tấn công thiếu chiến lược lại đắt hơn nhiều, khi mà thực tế không thể phủ nhận rằng, nếu Mỹ tấn công Syria thì khó lòng tránh khỏi sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nguy cơ đối đầu trực diện với Nga.

Hơn nữa, bản thân Mỹ hiện cũng đang phải tính toán kỹ từng đường đi nước bước để đạt được mục tiêu đầy tham vọng của nước này với những tổn thất và hậu quả ở mức thấp nhất. Vì thực tế lịch sử đã chứng minh bất kỳ một cuộc chiến tranh nào nổ ra đều kéo theo những tổn thất và hậu quả không lường trước được, cho dù là đối với bên chủ động khơi mào cuộc chiến./.