Ưu tiên của cộng đồng quốc tế tại thời điểm hiện tại là ngăn chặn một cuộc chiến tranh tại Syria, trước những cảnh báo đe dọa tấn công từ phía Mỹ và sự ủng hộ từ 2 nước đồng minh là Anh, Pháp.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: Weapon news. |
Đó là tuyên bố của Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia trong phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đêm qua. Những bước đi cụ thể đã được cộng đồng quốc tế đề xuất nhằm giải quyết tận gốc“cái cớ” cho hành động quân sự của Mỹ.
Thay vì đến Peru để dự cuộc họp thượng đỉnh các nước Mỹ Latinh, hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ở lại Mỹ để giám sát phương án đối phó với Syria và theo dõi tình hình thế giới.
Tối 12/4, ông Donald Trump cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May nhằm tìm kiếm một phản ứng quốc tế trong việc ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo diễn ra sau khi các thành viên nội các của Anh ủng hộ một hành động chung cùng với Mỹ, Pháp tại Syria.
Điều này có thể mở đường cho việc Anh tham gia các hoạt động tấn công quân sự chung nhắm vào chính quyền của Tổng thống Syria Al Assad, mà phương Tây cáo buộc tiến hành vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của nước này mới đây.
Dẫu vậy, dù phản ứng mạnh mẽ, song cả Anh và Pháp đều phải trông chờ vào hành động tiếp theo của Mỹ để hành động. Tuy nhiên, đến nay, ngay cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chưa thể đưa ra bằng chứng thuyết phục quốc tế cho một kế hoạch “răn đe” chưa rõ ràng nhằm vào Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis cho biết: “Tôi không muốn nói về bất kỳ cuộc tấn cộng cụ thể nào khi nó chưa được đưa ra. Một lần nữa, Tổng thống đã không đưa ra quyết định. Tuy nhiên, nếu nhìn vào Công ước vũ khí hóa học, tôi nghĩ rằng, vì lợi ích của người dân, chắc chắn cũng là vì lợi ích tốt nhất của nước Mỹ, công ước phải được tất cả các nước tham gia ký kết tôn trọng. Và những gì mới xảy ra tại Salisbury, Anh và giờ là Syria một lần nữa cho thấy đây không phải là một mối lo ngại hão".
4 lý do Mỹ không dễ lật đổ Tổng thống Syria bằng đòn tấn công quân sự
Khác với Anh và Pháp, các đồng minh phương Tây còn lại của Mỹ vẫn có phản ứng “thận trọng” trước các cáo buộc Syria sử dụng khí độc hóa học. Đức, Italy tuyên bố sẽ không tham gia hành động quân sự chống lại Syria, mà chỉ có thể hỗ trợ về mặt hậu cần.
Trước tình hình căng thẳng trên, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các đồng minh của Syria là Nga và Iran đã lên tiếng kêu gọi tránh một sự leo thang căng thẳng, với những bước đi cụ thể.
Hôm 12/4, chính phủ Chính phủ Syria tuyên bố tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm 4 chuyên gia của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học tới thị trấn Douma để điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học hôm 7/4 vừa qua.
Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Jaafari cho biết, các chuyên gia này có thể “đến bất cứ đâu họ muốn” để làm rõ vấn đề. Dự kiến, trong ngày 13/4, nhóm chuyên gia thứ 2 của tổ chức này cũng sẽ đến quốc gia Trung Đông này. Ngày 14/4, các chuyên gia Tổ chức này sẽ bắt đầu quá trình làm việc.
Về phía Nga, giới chức nước này cho biết, không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào tại Syria do Mỹ đã đưa ra những thông điệp “hiếu chiến”. Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Nebenzia hy vọng hai bên có thể “đối thoại” qua các kênh thích hợp để tránh những diễn biến leo thang nguy hiểm.
Vị quan chức Nga một lần nữa kêu gọi Mỹ và các đồng minh kiềm chế hành động quân sự nhằm vào một quốc gia có chủ quyền. Thêm vào đó, phía Nga hiện đã đề nghị Hội đồng Bảo an tiếp tục nhóm họp trong ngày hôm nay để thảo luận về khả năng Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự tại Syria.
Thụy Điển cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an cho phép cử một phái đoàn giải giáp vũ khí cấp cao tới Syria để giải quyết dứt điểm “tất cả những vấn đề còn tồn đọng liên quan việc sử dụng vũ khí hóa học”.
Một số quốc gia khác cũng lên tiếng kêu gọi các bên cần chờ đợi những báo cáo cụ thể từ các nhóm chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đang ở Syria để xem xét các chứng cứ liên quan đến cáo buộc tấn công vũ khí hóa học tại thị trấn Douma./.