Các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Iraq ngày 10/6 đã chiếm quyền kiểm soát thêm 6 thị trấn thuộc tỉnh Kirkuk, chỉ vài giờ sau khi chiếm gần như toàn bộ tỉnh miền Bắc Ninive.
Theo các nguồn tin, phiến quân chiếm các thị trấn này mà không vấp phải sự kháng cự nào từ phía lực lượng an ninh Iraq, thậm chí là quân đội, cảnh sát đều đã rút lui trước khi các nhóm vũ trang tiến đến.
Trước sự gia tăng hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại miền Bắc, đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông, Chính phủ của Thủ tướng Nouri al- Maliki đã quyết định vũ trang cho những người dân sẵn sàng đấu tranh chống lại quân nổi dậy, đồng thời thông báo "tái tổ chức" các lực lượng vũ trang.
Một cơ quan chống khủng hoảng cũng đã được thành lập ngay trong ngày hôm qua nhằm giám sát việc nhập ngũ và vũ trang cho những người dân.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Baghdad, Chủ tịch Quốc hội Iraq Oussama al-Noujaiji thừa nhận, Iraq đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi “đoàn kết quốc gia” nhằm đối phó với “các âm mưu xâm chiếm Iraq” của các lực lượng từ bên ngoài.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng, với các âm mưu xâm chiếm Iraq của các nhóm khủng bố đến từ nhiều nước. Chúng đang tìm cách kiểm soát các thành phố và giết hại người vô tội”, ông al-Noujaiji tuyên bố.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông đã giành quyền kiểm soát Fallouja và nhiều thị trấn ở tỉnh miền Đông al-Anbar, khu vực có đa số người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống và tỉnh láng giềng Ninive, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này từ hơn 1 năm rưỡi qua đang phải đối mặt với các vòng xoáy bạo lực nghiêm trọng.
Ninive và al-Anbar đều nằm gần biên giới với Syria, đây cũng là khu vực hoạt động mạnh của Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông, đang có tham vọng thành lập một Nhà nước Hồi giáo.
Theo các nhà phân tích, sự thắng thế của các lực lượng nổi dậy một lần nữa cho thấy tình hình an ninh đáng báo động tại Iraq, vốn chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shitte, cũng như chịu tác động mạnh của cuộc xung đột tại nước láng giềng Syria và những tranh cãi chính trị trong nước.
Từ nhiều tuần nay, dù đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán, song các đảng phái tại Iraq vẫn chưa thể thành lập được một Chính phủ mới. Hơn nữa, việc các chỉ huy quân sự đã trốn chạy khỏi các khu vực xung đột cũng một động thái cho thấy, các lực lượng vũ trang đã bị quân nổi dậy xâm nhập.
Vì thế, nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp cho những thách thức hiện nay, an ninh Iraq có thể sẽ đi tới chỗ mất kiểm soát, nhất là khi với sự hỗ trợ của các nhóm bộ lạc chống Chính phủ, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông cũng đang nhận được sự ủng hộ của một số ít người Hồi giáo dòng Sunni bất mãn với Chính phủ do người Shitte lãnh đạo.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 10/6 đã bày tỏ lo ngại về tình trạng an ninh xuống cấp tại Iraq, trong khi Mỹ cho rằng, Nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông là “mối đe dọa đối với sự ổn định của toàn khu vực”.
Phó Thư ký báo chí Nhà trắng Josh Earnest nói: “Rõ ràng, đây là một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng mà Iraq phải đối mặt. Để giải quyết những thách thức này, giải pháp quân sự thôi là không đủ. Vì thế, cùng với những hỗ trợ an ninh quan trọng của Mỹ nhằm cải thiện tình hình an ninh, cam kết của các nhà lãnh đạo Iraq là rất quan trọng”.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab Nabil al-Arabi cùng ngày cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc và kêu gọi tất cả các đảng phái tại Iraq phối hợp các nỗ lực nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố./.