Các tuyến bệnh viện quá tải, nhiều nước liên tục ghi nhận con số kỷ lục mới, các khu vực tái áp đặt phong tỏa... những thông tin khiến dư luận không khỏi liên tưởng đến giai đoạn dịch Covid-19 bước vào thời điểm căng thẳng nhất, mặc dù chiến dịch tiêm chủng đã được mở rộng.
Tại Thụy Điển, các bệnh viện tại thủ đô Stockholm đang rơi vào quá tải khiến nhiều xe cứu thương phải chuyển hướng sang những bệnh viện khác. Chính quyền nhiều khu vực khác cảnh báo "tình hình diễn biến nghiêm trọng. Các bệnh viện đang chịu áp lực rất cao”.
Trong khi đó, tại thủ đô Paris của Pháp, nhiều bệnh viện cũng đang tiến gần đến giới hạn đỏ để có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân. Số bệnh nhân ở các trung tâm chăm sóc tích cực đang gần đến mức cao như vào giữa tháng 11 năm ngoái.
Người đứng đầu Bộ phận truyền nhiễm bệnh viện Tenon ở Paris Gilles Pialoux chia sẻ: “Con số đang tăng quá nhanh. Có khoảng 1.400 bệnh nhân ở trong các phòng chăm sóc tích cực ở khu vực Paris với khoảng 1.000 giường bệnh. Tại Tenon, có 20 giường mà có tới 22 bệnh nhân”.
Điều nghịch lý là trong khi ngành y tế các nước đang đẩy mạnh tốc độ chủng ngừa, số ca nhiễm mới thời gian gần đây lại tăng vọt sau một khoảng thời gian hạ nhiệt. Nhiều quốc gia từ châu Âu đến châu Á hay Nam Mỹ cũng đối mặt với các ca mắc mới báo động.
Tại nhiều nơi, những người đã tiêm vaccine liều thứ nhất vẫn mắc Covid-19. Tính đến 30/3, số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đang tiến gần đến mức 130 triệu người. Những số liệu này cho thấy thế giới vẫn chưa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm như mong đợi trong bối cảnh các nước tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.
Lý giải cho những nghịch lý này, giới chuyên gia khẳng định, biến thể phức tạp mới của Covid-19 khiến dịch bệnh lây lan mạnh và khó kiểm soát hơn. Các chủng mới cũng có thể kháng thuốc hơn với các phương pháp điều trị bằng kháng thể và vaccine. Ngoài ra tâm lý chủ quan của người dân, không áp dụng các biện pháp phòng dịch đơn thuần như đeo khẩu trang và nhiều nơi dỡ bỏ sớm các biện pháp hạn chế cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc mới gia tăng.
Ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho rằng không nên chỉ đổ lỗi cho biến thế mới.
“Biến thể rất nghiêm trọng và rất đáng lo ngại, nhưng không chỉ có biến thể là nguyên nhân duy nhất khiến tình trạng gia tăng ca mắc mới tại Mỹ. Chúng ta chứng kiến các kỳ nghỉ xuân tại Mỹ và các bang dỡ bỏ hạn chế cũng là nguyên nhân gây ra số ca mắc mới”, ông Fauci nói.
Liên quan khả năng nhiều người đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, giới y học nhấn mạnh, không có vaccine ngừa Covid-19 nào đạt hiệu quả tuyệt đối 100%. Trong khi các loại vaccine đang sử dụng như Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna, Sputnik V... yêu cầu phải tiêm đủ hai liều mới phát huy hiệu lực bảo vệ đầy đủ. Ngoài ra, tốc độ phủ sóng vaccine trên toàn thế giới vẫn diễn ra với tốc độ chậm hơn dự kiến. Mặc dù vậy Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định, số ca mắc mới có thể gia tăng nhưng vaccine Covid-19 đã chứng minh hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở những người nhiễm bệnh./.