Một ngày sau khi có thông tin ông Mueller thẩm vấn cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những chỉ trích nhắm tới các cựu quan chức FBI, ngụ ý tới sự thiên vị đảng phái trong đội ngũ điều tra.

rm_curtain_vwaa.jpg
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu Giám đốc FBI và đứng đầu đội ngũ điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ảnh: Tablet Magazine.

Trên trang Twitter cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Tại sao trong đội ngũ của Mueller có tới 13 thành viên Dân chủ cứng rắn, trong đó có những người ủng hộ mạnh mẽ Crooked Hillary (ám chỉ bà Hillary Clinton), mà lại không có thành viên Cộng hòa? Đội ngũ này mới đây còn bổ sung thêm một thành viên Dân chủ… Có ai nghĩ điều này là công bằng? Và ở đây có sự thông đồng nào không?”

Dường như đây là lần đầu tiên ông Trump nêu thẳng tên một người mà ông muốn chỉ trích trên trang Twitter cá nhân và không ngần ngại nhắc đến cái tên Mueller, vốn cũng là một thành viên đảng Cộng hòa.

Đến nay, cuộc chiến pháp lý giữa Tổng thống Trump và cơ quan điều tra về những lùm xùm nghi vấn quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 vẫn chưa có hồi kết.

Trước đó cùng ngày 18/3, luật sư riêng của Tổng thống Trump là John Dowd cũng kêu gọi chấm dứt cuộc điều tra đặc biệt về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Nói với CNN, luật sư Dowd cho biết đây là ý kiến của cá nhân ông, tuy nhiên, tờ Daily Beast-phương tiện truyền thông đầu tiên đưa tin về phát biểu của ông John Dowd lại cho biết, tuyên bố này là thay mặt cho Tổng thống.

CNN sau đó cũng dẫn một nguồn tin thân cận với Tổng thống Trump khẳng định phát biểu của luật sư Dowd không được Tổng thống thông qua. Cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng Ty Cobb cũng khẳng định dòng Tweet của ông Trump không có nghĩa là ông đang cân nhắc việc sa thải cố vấn đặc biệt Robert Mueller khỏi nhiệm vụ giám sát việc điều tra mối liên hệ giữa Nga và bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Đội điều tra do ông Mueller dẫn đầu được củng cố theo yêu cầu của các nhà lập pháp Dân chủ để nhằm bảo vệ cuộc điều tra can thiệp bầu cử 2016. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Mark Warner, Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã ngay lập tức kêu gọi bảo vệ cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller.

Trong một tuyên bố sáng ngày 18/3, ông Schumer nhấn mạnh: “Tổng thống đang thổi phồng dư luận để làm chệch hướng cuộc điều tra của ông Mueller. Các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa, đặc biệt là các lãnh đạo, cần có trách nhiệm với đất nước và phải làm rõ rằng việc sa thải ông Mueller là ranh giới đỏ không thể vượt qua với phe Dân chủ của chúng tôi”.

Phản ứng của phe Cộng hòa

Một số nghị sĩ Cộng hòa ngày 18/3 cũng lên tiếng cảnh báo việc Tổng thống Trump sa thải cố vấn đặc biệt Robert Mueller. Chính phe Cộng hòa cũng cho rằng họ không thấy có lý do gì để can thiệp vào “sự hợp tác tốt” giữa đội ngũ điều tra của ông Mueller với Nhà Trắng hiện nay.

Sau dòng Tweet của Tổng thống Trump và luật sư riêng John Dowd, các nhà lập pháp Cộng hòa cảnh báo Tổng thống rằng, Quốc hội Mỹ sẽ không khoan dung trước bất cứ hành động nào nhằm vào cố vấn đặc biệt Mueller.

CNN dẫn lời nghị sĩ bang Nam Carolina Lindsey Graham rằng, nếu Tổng thống cố gắng sa thải ông Mueller thì đây cũng sẽ là khởi đầu cho việc chấm dứt cương vị Tổng thống của ông Trump.

Đây cũng là cảnh báo của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake tại bang Arizona: “Tôi đã nói chuyện với các đồng nghiệp và bạn biết đấy, ngay khi Tổng thống ra đi sau Mueller, chúng tôi sẽ có hành động”.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Thượng viện Mỹ, cựu Công tố liên bang và là nghị sĩ Cộng hòa của bang Nam Carolina trả lời Fox News Sunday cũng đã bảo vệ cố vấn đặc biệt Mueller và có những chỉ trích với phát biểu của luật sư John Dowd.

Phát biểu của những nghị sĩ Cộng hòa này là tín hiệu cho thấy họ sẽ có hành động tại Quốc hội khi các nghị sĩ quay trở lại làm việc trong tuần này, để giải quyết “mối đe dọa nguy hiểm nhất” mà họ phải đối mặt nếu Nhà Trắng có động thái nhằm vào cố vấn đặc biệt Mueller.

Quốc hội Mỹ sẽ bảo vệ cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử thế nào?

Hiện chưa rõ Quốc hội Mỹ đang do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ có hành động gì với vụ việc của cố vấn Mueller. Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ cũng đang bận rộn với việc phải cấp bách thông qua dự luật chi tiêu, bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề lớn mà Thượng viện phải giải quyết trước thứ Sáu tới.

Những nghi ngại về việc Tổng thống Trump đang cố sa thải Cựu Giám đốc FBI Robert Mueller kể từ tháng 5 năm ngoái, khi ông được chỉ định tham gia đội điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Trong một bài đăng hồi tháng 1 vừa qua, CNN cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã cảnh báo sa thải ông Mueller từ tháng 6 năm ngoái, song cố vấn Nhà Trắng Don McGahn đã từ chối đưa yêu cầu này lên Bộ tư pháp. 

Tờ Thời báo New York đã đưa những thông tin đầu tiên liên quan tới vụ việc của ông Mueller, tuy nhiên, Tổng thống đã bác bỏ những thông tin này.

Năm ngoái, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã công bố 2 dự luật lưỡng đảng để bảo vệ đội ngũ điều tra đặc biệt về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử trước những sức ép chính trị từ Nhà Trắng.

Đến tháng 1 vừa qua, khi bùng nổ các thông tin Tổng thống Trump muốn sa thải ông Mueller, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã kêu gọi Tổng thống để cố vấn đặc biệt Mueller tiến hành cuộc điều tra của mình. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, một thành viên Cộng hòa, ông Chuck Grassley tuyên bố sẽ cân nhắc cơ chế pháp lý có thể bảo vệ đội ngũ điều tra đặc biệt khỏi sức ép chính trị./.