Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới hôm 29/3 đã cán mốc 700.000 người, tác động tới tất cả các châu lục, các nền kinh tế không phân biệt quy mô dù là lớn hay nhỏ.
Bản đồ các điểm nóng Covid-19 trên thế giới. Ảnh: ĐH John Hopkins. |
Hơn 3,4 tỷ người, tức 43% dân số toàn cầu tại gần 80 quốc gia, đang phải tự cách ly. Tới nay, đây vẫn là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, trong bối cảnh giới khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian để bào chế vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả đối với Covid-19.
“Tâm dịch” Covid-19 hiện đã chuyển sang các nước Nam Âu và Mỹ, dù Trung Quốc mới là quốc gia khởi phát dịch bệnh. Châu Âu hiện là châu lục chịu tác động mạnh nhất và chiếm tới 2/3 số ca tử vong trên toàn thế giới, trong đó Italy và Tây Ban Nha là những quốc gia dẫn đầu.
Tính đến hết ngày hôm qua, số ca tử vong do Covid-19 tại Italy là 10.779 người trên tổng số hơn 97.000 ca mắc bệnh. Dù vẫn cao nhất thế giới, song đây đã là ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong theo ngày tại nước này giảm. Số ca mắc mới, số người phải nhập viện và phải chăm sóc đặc biệt cũng giảm trong 24 giờ qua. Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt trong suốt 3 tuần qua dường như đã bắt đầu mang lại hiệu quả.
Tây Ban Nha thì ngược lại, nước này hôm 29/3 ghi nhận số ca tử vong mới tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp, với 838 ca, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 6.500 trường hợp. Từ giữa tháng 3 vừa qua, chính quyền Tây Ban Nha đã không ngừng gia tăng các quy định cách ly nghiêm ngặt, đặc biệt trong đó có việc tạm dừng tất cả các hoạt động kinh tế không thiết yếu trong 2 tuần.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez những ngày qua không ngừng kêu gọi tình đoàn kết hơn nữa của Liên minh châu Âu. Theo ông, đây là thời điểm khó khăn nhất kể từ khi khối này ra đời: "Đây là một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, vượt qua các biên giới và không phân biệt nền kinh tế. Tất cả chỉ là một và đòi hỏi một phản ứng chung của châu Âu. Đó phải là một phản ứng mà tại đó tất cả chúng ta đều là một, dù là người Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy hay là Đức. Đó phải là một phản ứng của châu Âu”.
Còn tại Anh, quốc gia đã chính thức rời Liên minh châu Âu hồi đầu năm, tình hình cũng không khả quan hơn. Số người tử vong do Covid-19 tại nước này hôm qua đã vượt 1.200 người và theo chuyên gia dịch tễ học Neil Ferguson, đồng thời là một cố vấn chuyên môn của chính phủ, lệnh phong tỏa có thể sẽ phải kéo dài tới cuối tháng 5, thậm chí là đầu tháng 6.
Thủ tướng Boris Johnson hôm 29/3 cũng thừa nhận, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn trước khi được cải thiện: “Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong chiến lược phòng chống dịch của chính phủ là kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, để từ đó giảm bớt áp lực cho Hệ thống y tế quốc gia và bảo vệ mạng sống của hàng nghìn người. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã tuân thủ yêu cầu dịch tễ của chúng tôi là “ở trong nhà”. Mọi người đã thực sự cố gắng hạn chế tối đa việc ra ngoài”.
Dịch bệnh Covid-19 có làm tan rã Liên minh châu Âu (EU)?
Tại một “tâm dịch” khác là Mỹ, quốc gia ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc đại lục, với hơn 141.000 ca. Số ca tử vong đã tăng gấp đôi chỉ trong 3 ngày qua lên hơn 2.000 người. Gần một nửa trong số các ca tử vong và mắc bệnh là ở bang New York. Theo chuyên gia miễn dịch Anthony Fauci, đồng thời là cố vấn của Tổng thống Donald Trump, tổng số ca mắc bệnh tại Mỹ có thể tăng lên nhiều triệu người và số ca tử vong có thể lên tới 100.000-200.000 người.
Lần đầu tiên ghi nhận hơn 200 ca nhiễm trong một ngày, Nga hôm nay bắt đầu đóng cửa các biên giới và trở thành quốc gia phát triển cuối cùng áp dụng biện pháp phong tỏa này. Trước đó Nga đã ra lệnh đóng cửa tất cả các quán cà phê và nhà hàng trên cả nước. Còn tại thủ đô Moscow, người dân sẽ không được phép rời khỏi nhà chỉ trừ những trường hợp khẩn cấp về y tế để giảm sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Tại Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh, dù số ca lây nhiễm ở trong nước đã giảm, song từ cuối tuần qua nước này vẫn quyết định tạm thời đóng cửa biên giới đối với phần lớn người nước ngoài và giảm mạnh các chuyến bay quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ một đợt lây nhiễm thứ 2 do các trường hợp nhập cảnh.
Tại Trung Đông và Bắc Phi, những biện pháp quyết liệt cũng đang được các chính phủ triển khai nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có phạt nặng những người vi phạm quy định kiểm dịch hay giám sát điện tử./.