Trong khi một số hành động khá quyết liệt với việc tái phong tỏa toàn quốc, thì số khác lại lựa chọn giải pháp an toàn hơn là giới nghiêm, phong tỏa từng phần hay bán phong tỏa. Dù lựa chọn khác nhau, song bài toán chung lớn nhất mà châu lục phải đối mặt vẫn là làm thế nào để hạn chế số ca mắc và tử vong do Covid-19, lại vừa bảo vệ nền kinh tế vốn đã trở nên mong manh do đại dịch.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang bùng phát và lan rộng tại nhiều nước châu Âu, với số ca mắc đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần qua. Tính đến hết ngày hôm qua (1/11), tổng số ca bệnh ở châu Âu đã vượt ngưỡng 10 triệu ca, trong đó số ca mắc mới hàng ngày cao hơn cả Mỹ, Brazil hay Ấn Độ, những ổ dịch lớn của thế giới.

Dù được đánh giá là đỡ ảm đạm hơn so với những quốc gia láng giềng khác, song bức tranh dịch bệnh tại Đức cũng có chiều hướng xấu đi trong những tuần qua, với số ca mắc mới theo ngày tăng vọt. Bắt đầu từ hôm nay, chính quyền của Thủ tướng Merkel bắt đầu triển khai tái phong tỏa từng phần trên toàn quốc. Theo đó, người dân được yêu cầu hạn chế những chuyến đi không cần thiết. Các nhà hàng phục vụ ăn, uống, các quán bar, quán rượu, câu lạc bộ và các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao trong nhà và ngoài trời đều phải tạm thời đóng cửa trừ trường học và nhà trẻ.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Tôi hiểu tâm trạng thất vọng và thậm chí là tuyệt vọng ở những khu vực chịu ảnh hưởng của lệnh phong tỏa. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã đầu tư rất nhiều vào những biện pháp về an toàn vệ sinh và giờ lại băn khoăn tự hỏi liệu có phải tất cả là vô ích. Câu trả lời là không phải thế. Những biện pháp an toàn vệ sinh này vẫn sẽ rất cần thiết sau đó. Tuy nhiên, trong thời kỳ số ca mắc đang gia tăng theo cấp số nhân như hiện nay, thì chỉ bấy nhiêu thôi là không đủ”.

Phong tỏa từng phần cũng là biện pháp đang được triển khai ở Hà Lan và Tây Ban Nha. Trong khi đó, những nước như Hy Lạp hay Italy lại chọn giới nghiêm hoặc bán phong tỏa. Như tại Italy, những ngày gần đây, chính phủ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở một số khu vực rộng lớn, yêu cầu các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, hoạt động thể thao, điện ảnh và hòa nhạc phải đóng cửa từ 18h. Theo truyền thông Italy, chính phủ cũng đang xem xét phong tỏa các thành phố lớn như Milan và Naples trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Còn tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson lại có lựa chọn quyết liệt hơn, đó là tái phong tỏa toàn quốc trong 1 tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/11. Đây được cho là động thái bất thường vì trước đó nhà lãnh đạo Anh một mực phản đối biện pháp cứng rắn này. Công chúng sẽ được yêu cầu chỉ rời khỏi nhà vì những lý do cụ thể. Theo Thủ tướng Boris Johnson, hiện số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tại nước này cao hơn so với hồi tháng 3, thời điểm các quy định cách ly xã hội được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

“Nếu chúng tôi không hành động ngay bây giờ thì khả năng Dịch vụ Y tế Quốc gia trở nên không thể chống đỡ được vào giữa tháng 12 là rất cao. Vì vậy, về một mặt nào đó, biện pháp này là nhằm đảm bảo rằng tháng 12 không trở thành thảm họa đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia khi phải đối mặt với một số lượng lớn ca mắc và tử vong do Covid-19”, ông Boris Johnson nói.

Trước Anh, Bỉ là quốc gia châu Âu gần đây nhất công bố việc quay lại thời kỳ phong tỏa để ngăn chăn Covid-19. Việc để bị cuốn vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 đã đặt chính phủ nhiều nước trước thách thức, đặc biệt là niềm tin của người dân đối với cách thức xử lý khủng hoảng của chính quyền. Chính vì thế dù lựa chọn tái phong tỏa, phong tỏa một phần hay giới nghiêm, thì bài toán chung lớn nhất mà  châu lục phải đối mặt vẫn là làm thế nào để hạn chế số ca mắc và tử vong do Covid-19, lại vừa bảo vệ nền kinh tế và hơn hết là sự gắn kết xã hội vốn đã trở nên mong manh do đại dịch./.