Vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò đã trở thành trọng tâm chính được bàn thảo nhân “Ngày người tiêu dùng châu Âu lần thứ 15” (the 15th European Consumer Day) diễn ra hôm qua 14/3 tại Brussels, Bỉ.

Năm nay, chủ đề chính của sự kiện được tổ chức hàng năm này đề cập tới 2 nội dung bao gồm: an toàn sản phẩm và giám sát thị trường.

thit2.jpg
Các sản phẩm thịt ngựa giả thịt bò vẫn gia tăng ở Châu Âu (Ảnh AFP)
Trong khuôn khổ sự kiện “Ngày người tiêu dùng châu Âu” năm nay, với sự tham dự của hơn 200 đại diện tới từ 27 quốc gia thành viên Châu Âu, các quan chức Châu Âu kêu gọi tăng cường giám sát chặt chẽ hệ thống hậu cần bao gồm chuỗi các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm. 

Ông Tonio Borg, thành viên của Ủy ban phụ trách An toàn thực phẩm và Sức khỏe của Liên minh Châu Âu cho biết: “Chúng ta có một trong những hệ thống lao động tốt nhất trên thế giới nhưng đôi khi vẫn xảy ra tình trạng một số công ty vi phạm luật. Chính vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp xử phạt cứng rắn hơn đối với những trường hợp vi phạm.”

Theo ôngStaffan Nilsson, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Âu, đơn vị tài trợ cho sự kiện này nói rằng, hệ lụy tồi tệ nhất từ vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò chính là tâm lý sợ hãi dẫn tới sự thiếu niềm tin ở người tiêu dùng trên thị trường châu Âu.

Cũng theo ông Nilsson, biến cố nói trên ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn so với dự đoán, và khó có thể kiểm soát được, đặc biệt là khi nó có liên quan trực tiếp tới nỗ lực truy cứu nguồn gốc của thịt ngựa. Ông Nilsson nói: “Chúng tôi không biết, nó có thể ngẫu nhiên xuất phát từ bất kỳ đất nước nào. Tuy nhiên, tôi muốn điều tra rõ ràng vấn đề này trước khi tuyên bố bất kỳ thông tin gì liên quan tới nguồn gốc vụ việc. Nó có thể xuất phát từ một vài nước. Chúng ta chưa thể chắc chắn được điều gì”./.