Cơ quan An toàn thực phẩm Hongkong ngày 20/2 đã yêu cầu ParknShop, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất nơi đây, thu hồi món lasagna do "gã khổng lồ" thực phẩm đông lạnh Findus sản xuất, một trong những công ty hiện đang là trung tâm của vụ bê bối nói trên, vì rất có thể sản phẩm này có pha trộn với thịt ngựa vốn chưa được kiểm tra thuốc thú y.
Tại châu Âu, CH Czech là nước mới nhất phát hiện thịt ngựa "hô biến" thịt bò trong hai mẫu thực phẩm thịt bò đông lạnh nhập khẩu. Theo Cơ quan Kiểm tra nông nghiệp và thực phẩm nước này, các mẫu thực phẩm được lấy tại một chi nhánh của chuỗi siêu thị Tesco ở thành phố miền Tây Pilsen để đem đi xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy, các sản phẩm này phần lớn là thịt ngựa dán mác thịt bò. Cơ quan chức năng đã yêu cầu siêu thị ngay lập tức thu hồi những sản phẩm này đang được bày bán tại các chi nhánh trong cả nước.
Trong khi đó, Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) của Anh cùng ngày cũng cho biết, nước này đang tiếp tục mở rộng kiểm tra các sản phẩm được chế biến từ thịt, trong đó có các loại đồ ăn chế biến sẵn. Tính đến nay, hầu hết tất cả các siêu thị tại Anh và một số công ty thực phẩm đã được chứng minh là có liên quan đến vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò.
Nhiều sản phẩm chế biến từ thịt ngựa được bày bán trong các siêu thị ở những nước này đã bị thu hồi. Còn nhiều người dân Anh cho biết, đã hạn chế mua thịt tại siêu thị.
Hiện vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò đã lan rộng ra nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển…
Mặc dù Liên minh châu Âu có một chính sách rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn thực phẩm được gia công tại các lò giết mổ được EU ủy quyền. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của chuỗi cung ứng thực phẩm tại châu Âu nên việc giám sát khó khăn. Ông Mark Wolf, cựu giám sát viên của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh cho biết: "Càng nhiều khâu thì càng xảy ra nhiều vấn đề trong một chuỗi dây chuyền. Sẽ là khá khó khăn để kiểm tra nguồn gốc từ thịt bò bên ngoài. Bạn chỉ có thông tin từ người mà bạn mua thịt bò nguyên liệu và bạn lại phải cung cấp thông tin đó cho người mà bạn bán. Nhưng nếu cứ mua đi bán lại qua nhiều tay như thế này thì sẽ khó có thể kiểm soát được tất cả các thông tin”.
Vụ bê bối đã thực sự làm chấn động toàn châu Âu trong suốt hơn 1 tuần qua, gây tâm lý hoang mang lo ngại về chất lượng thực phẩm đối với hầu hết người tiêu dùng tại khu vực. Trong một nỗ lực lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và cứu ngành công nghiệp chế biến thịt của châu lục này thoát nguy cơ bị "khai tử", Liên minh châu Âu đã nhất trí tiến hành xét nghiệm ADN tất cả các sản phẩm thịt để xác định có thịt ngựa pha trộn hay không.
Bên cạnh đó, các nước cũng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau với hy vọng nhanh chóng dập tắt vụ bê bối thịt để không gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế lục địa già, vốn đang oằn mình vượt qua khủng hoảng nợ công./.