Thủ tướng Anh David Cameron ngày 23/1 sẽ có bài phát biểu về quan hệ Anh-Liên minh châu Âu (EU). Dự kiến, trong bài phát biểu này, ông Cameron sẽ đưa ra thông điệp cuối cùng đối với EU, cảnh báo khối này phải tăng thêm quyền hạn cho nước Anh, nếu không nước này sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh có tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu hay không. Bài phát biểu của ông Cameron mặc dù có thể làm hài lòng các thành viên trong đảng bảo thủ của ông và nhiều người dân nước Anh, song nó sẽ khiến rất nhiều các đồng minh của Anh “đứng ngồi không yên”.

david_cameron_eu-tr.jpg
Ông Cameron sẽ là người đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ Anh-EU? (Ảnh: gilestweets.com)

Thủ tướng Anh dự kiến sẽ chấm dứt một phần những đồn đoán lâu nay về triển vọng mối quan hệ Anh-EU trong bài phát biểu này khi đưa ra kế hoạch về một cuộc trưng cầu ý dân trong khoảng thời gian từ năm 2015 tới năm 2018 về việc Anh có tiếp tục là thành viên của EU hay không.

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang được cho là nguyên nhân chính khiến nước Anh phải xem xét lại mối quan hệ của mình với khối này. Do đó, mặc dù vẫn hy vọng nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới tiếp tục là một thành viên của Liên minh châu Âu song Thủ tướng Anh tới nay vẫn yêu cầu EU cần phải tiến hành cải cách một cách triệt để, vực dậy từ cuộc khủng hoảng nợ, khôi phục khả năng cạnh tranh và giành lại sự ủng hộ của người dân trong khu vực.

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron một lần nữa cho rằng, chưa bao giờ công chúng Anh thất vọng về EU như hiện nay và khẳng định đây là thời điểm người dân Anh cần phải đưa ra câu trả lời cho câu hỏi về sự liên quan của châu Âu trong đời sống chính trị của nước Anh.

Ông Cameron nêu rõ: “Tôi cho rằng việc Anh ở lại Liên minh châu Âu là tốt hơn bởi Anh là một quốc gia thương mại. Tuy nhiên tôi không hài lòng và nhiều người dân Anh cũng không hài lòng với mối quan hệ Anh-EU hiện nay. Châu Âu đang thay đổi vì khu vực đồng tiền chung. Trong khi Anh không bao giờ tham gia vào khu vực tiền tệ chung đó. Dựa vào sự thay đổi này, chúng tôi cần phải cân nhắc và đảm bảo một mối quan hệ thích hợp hơn với EU đồng thời cũng phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân Anh về vấn đề này”.

Cam kết của ông Cameron về một cuộc trưng cầu ý dân có thể làm hài lòng các thành viên trong đảng bảo thủ của ông, vốn đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ yêu cầu ông Cameron phải cứng rắn hơn với EU, trong khi đảng Dân chủ Tự do tham gia liên minh cầm quyền lại yêu cầu ngược lại. Nó cũng sẽ làm hài lòng rất nhiều người dân Anh, vốn không ủng hộ những chính sách kinh tế yếu kém của EU và luôn phàn nàn rằng EU đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống của họ với những qui định và nguyên tắc không cần thiết.

Tuy nhiên, động thái này có thể cũng khiến cho các quốc gia EU “đứng ngồi không yên”, trong đó có Pháp và Đức. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo việc nước Anh tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề thành viên EU là một thảm họa, bởi Anh vẫn luôn là một thành viên tích cực và là một phần sống còn của EU.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble nói: “Tôi hy vọng trong bài phát biểu hôm nay, ông Cameron sẽ thuyết phục người dân Anh và các thành viên trong đảng bảo thủ của mình rằng, việc nước Anh tiếp tục ở lại châu Âu là rất quan trọng, thậm chí nước Anh sẽ cần phải trở nên mạnh mẽ hơn ở châu Âu”.

Không những thế, bài phát biểu hôm nay của ông Cameron cũng có thể gây thất vọng cho Mỹ, một đồng minh thân cận của Anh, vốn luôn muốn Anh tiếp tục ở lại EU với một tiếng nói mạnh mẽ trong khối này. Trước đó Mỹ thậm chí còn tuyên bố việc Anh rút khỏi EU có thể gây tổn hại tới mối quan hệ giữa London và Washington. Kế hoạch của ông Cameron vì thế bị cho là sẽ ảnh hưởng tới triển vọng ngoại giao và kinh tế của Anh nếu như nước này phải xa rời các đồng minh của mình.

Trong khi đó, theo giới quan sát, việc Thủ tướng Anh có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này hay không vẫn còn là một điều chưa dám chắc cho tới khi đảng bảo thủ của ông giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2015. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Anh có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân như đã nói, thì việc Anh rút khỏi EU là hoàn toàn có khả năng bởi mặc dù theo các cuộc thăm dò dư luận, số người dân Anh ủng hộ EU vẫn nhiều hơn số người phản đối, song khoảng cách này là rất mong manh./.