Các nước châu Âu dường như nhận thức rõ khía cạnh tiêu cực của các đợt “cho điểm” của các công ty xếp hạng tín nhiệm và đưa ra những phản ứng ngày càng rõ nét hơn.

Ngày 5/7, một ngày sau khi công ty Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Bồ Đào Nha, hàng loạt nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng phản đối. Bộ trưởng Kinh tế Pháp François Baroin cho rằng “cách nhìn của một công ty xếp hạng tín nhiệm không giúp giải quyết tình hình căng thẳng nợ và cuộc khủng hoảng ngân sách” ở châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho rằng, quyết định của Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Bồ Đào Nha không dựa trên một căn cứ có cơ sở nào và cho rằng cần giảm thiểu vị trí gần như thống trị của một nhóm nhỏ các công ty xếp hạng tín nhiệm tại Mỹ. Trong khi đó, Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Amadeu Altafaj khẳng định không chỉ thời điểm ra quyết định mà cả cách thức xếp hạng của Moddy’s đều có vấn đề.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso nhấn mạnh: “Quyết định mà một trong những công ty xếp hạng tín nhiệm đưa ra không giúp làm rõ tình hình. Ngược lại, nó còn tạo thêm một yếu tố để người ta đồn đoán về tình hình hiện nay”.

Trong các cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, đặc biệt là ở Hy Lạp, người ta có cảm giác rằng những người lãnh đạo kinh tế thực sự của quốc gia này không phải là các nhà lãnh đạo Hy Lạp nữa, mà là châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). “Chủ quyền” của các nước đang gặp khó khăn kinh tế như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha ngày càng trở nên “lung lay” với những đợt “cho điểm” của nhóm nhỏ các công ty xếp hạng tín nhiệm, mà chủ yếu nằm ở nước Mỹ./.