Trong một tín hiệu thể hiện sự đoàn kết, các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu, nhóm họp ngày 27/6 tại Luxemburg đã một lần nữa khẳng định mục tiêu lấp đầy các kho dự trữ khí đốt trước mùa đông này bất chấp những xáo trộn trên thị trường khí đốt và có thể được chia sẻ giữa các quốc gia thành viên trên tinh thần đoàn kết.
Theo đó, 18 quốc gia có cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất sẽ phải lấp đầy kho chứa khí đốt của họ đến 80% công suất trước ngày 1/11 tới và đến 90% trong những năm tiếp theo. 9 quốc gia không có các cơ sở lưu trữ trên lãnh thổ của mình, họ bắt buộc phải lưu trữ 15% lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm trong kho dự trữ tại các quốc gia khác. Mục tiêu chung là đảm bảo mùa đông năm nay sẽ không trở nên quá khắc nghiệt do thiếu khí đốt của Nga và giúp các nước thành viên có thêm thời gian để giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Bộ trưởng Bộ chuyển dịch sinh thái Tây Ban Nha Ribera Rodriguez nhấn mạnh: “Tôi nghĩ điều rất quan trọng là Châu Âu phải tận dụng tình huống này để đảm bảo chúng ta có phản ứng chung. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần đi cùng nhau”.
Tuy nhiên, nỗ lực của Liên minh châu Âu đảo ngược hàng thập kỷ phụ thuộc vào năng lượng và khí đốt của Nga không phải là chuyện ngày một ngày hai. Dòng khí đốt Nga chảy chậm lại đang cản trở nỗ lực của châu Âu trong việc làm đầy dự trữ khí đốt hiện mới chỉ đạt khoảng 55%.
Ủy viên về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson cảnh báo nguồn cung khí đốt từ Nga cho EU có thể bị “gián đoạn nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi các nước sẵn sàng cho những cú sốc có thể về nguồn cung.
“Tất cả chúng ta đều biết tình hình nghiêm trọng như thế nào và cuộc khủng hoảng có thể còn tồi tệ hơn. Hiện tại nguồn cung cấp khí đốt từ phía Đông, từ Nga chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái và có thể còn giảm hơn hơn. Vì vậy, chúng ta phải đẩy mạnh phản ứng và đảm bảo rằng chúng ta luôn sẵn sàng cho mọi tình huống”, ông Simon nhấn mạnh.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng cao kỷ lục trong năm nay, khiến áp lực lạm phát càng lớn và làm gia tăng thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách đang ra sức bảo vệ nền kinh tế trước “miệng hố” suy thoái. Kinh tế Đức chắn chắn sẽ suy thoái nếu nguồn cung khí đốt từ Nga, vốn đang suy giảm, bị cắt đứt hoàn toàn.
Trong khi đó Italy đang cân nhắc hỗ trợ tài chính để giúp các công ty làm đầy dự trữ khí đốt, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng có thể xảy ra trong mùa đông năm nay. Theo Reuters, ngoài Italy và Đức, các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đều đã lên kế hoạch ứng phó với một cuộc khoảng hoảng nguồn cung khí đốt. Ngay cả Thuỵ Điển, một nước tiêu thụ khí đốt tương đối nhỏ, cũng đã gia nhập các nước đồng minh trong Liên minh châu ÂU kích hoạt giai đoạn 1 của kế hoạch khủng hoảng năng lượng.
Ủy ban Châu Âu hồi tuần trước thông báo đang chuẩn bị một “kế hoạch khẩn cấp để giảm nhu cầu năng lượng” với sự tham vấn của ngành công nghiệp và các nước thành viên. Kế hoạch dự kiến sẽ được công bố ngay vào cuối tuần này./.