Ngày 1/5, khắp nơi trên thế giới tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Dự kiến tại nhiều thành phố lớn sẽ diễn ra các cuộc tuần hành ủng hộ lực lượng lao động, kêu gọi cải thiện điều kiện lao động cũng như xóa bỏ bất bình đẳng giới trong các ngành nghề.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố bản nghiên cứu về phụ nữ và thị trường lao động châu Á.
Nghiên cứu chung của ADB và ILO khẳng định cánh cửa cơ hội đang mở rộng để châu Á cải thiện bình đẳng giới trong thị trường lao động và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững trong bối cảnh lạm phát đang đe dọa tăng trưởng kinh tế ở khu vực này. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường lao động châu Á không bắt kịp nhịp độ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng của châu lục này vì còn tới 45% tiềm năng sản xuất của phụ nữ châu Á vẫn chưa được phát huy, trong khi tỷ lệ này đối với nam giới chỉ là 19%. Nhiều nước đang phát triển ở châu Á, đặc biệt ở Đông Á, đã tạo được nhiều việc làm nhưng chất lượng việc làm mới được tạo ra vẫn là vấn đề đáng quan tâm.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của châu Á đạt trung bình 6,2% trong các năm từ 2000 đến năm 2007, vượt xa tốc độ trung bình toàn cầu 4,2%, nhưng tốc độ tăng trung bình về việc làm cho phụ nữ chỉ đạt 1,7%, thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu là 2%.
Ủy ban Liên Hợp Quốc (LHQ) về kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương từng đưa ra dự báo, châu Á sẽ mất từ 42 - 47 tỷ USD mỗi năm do hạn chế để phụ nữ tiếp cận với việc làm.
Theo tờ The Star, hiện nay, số nữ lao động châu Á lên tới 734 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ châu Á trong năm 2009 là 4,3% so với nam giới là 4,7%. Tỷ lệ thất nghiệp này đặc biệt cao tại Trung Á, Nam Á, Đông Á và các đảo Thái Bình Dương. Trong thị trường lao động, việc làm kém chất lượng đang là thách thức lớn đối với phụ nữ hơn là thất nghiệp. Phụ nữ châu Á thường xuyên phải làm các công việc nặng nhọc tại các phân xưởng, nhà máy nhưng tiền lương lại thấp hơn từ 10-30% so với nam giới.
Để khắc phục hiện trạng trên, nghiên cứu của ILO và ADB đề xuất những gợi ý chính sách bao gồm hỗ trợ tích cực các nữ doanh nhân, nữ nông dân để tăng năng suất, giảm sự phụ thuộc của châu Á vào khu vực kinh tế không chính thức; thúc đẩy tiếp cận nền giáo dục đào tạo có chất lượng, ưu tiên phụ nữ trong đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo bình đẳng về đại diện nữ trong hoạch định chính sách xã hội. ADB và ILO cũng cam kết hỗ trợ đẩy mạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại châu Á thông qua các hoạt động như đầu tư kinh tế xã hội thúc đẩy phát triển bền vững ở châu lục này./.