Năm 2011, trận động đất kèm sóng thần đã tấn công Nhật Bản, làm hơn 15.000 người thiệt mạng và dẫn tới một loạt phản ứng nóng chảy tại nhà máy hạt nhân Fukushima Số 1, thuộc sở hữu của Công ty Năng lượng điện Tokyo (Tokyo Electric Power Company – TEPCO).
Ông Takashi Kawamura, Chủ tịch TEPCO cho biết, gần 777.000 tấn nước nhiễm chất phóng xạ tritium, một sản phẩm phụ của quá trình làm sạch sau thảm họa này, sẽ được đổ xuống Thái Bình Dương.
Cư dân địa phương hết sức phẫn nộ trước kế hoạch xả thải này. Ngư dân lo ngại làn sóng những tin đồn cùng phản ứng tiêu cực từ dư luận sẽ ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ.
Tritium là đồng vị phóng xạ của hydro, được cho rằng ít gây nguy hiểm cho con người trừ khi phơi nhiễm với số lượng lớn. Theo chủ tịch Cơ quan Pháp quy Hạt nhân Nhật Bản (Nuclear Regulation Authority - NRA) ông Shunichi Tanaka, chất này “phóng xạ yếu đến nỗi còn không xuyên qua được màng bọc nhựa”.
Trước những phản đối và tranh cãi xung quanh kế hoạch, chủ tịch TEPCO cho biết: “Quyết định đã được đưa ra.” Dù vậy công ty này vẫn cần chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ trước khi chính thức xả lượng nước thải này ra biển.
Mặt khác, các nhà hoạt động môi trường lo ngại việc xả thải nước nhiễm tritium xuống đại dương có thể trở thành thói quen.
“Họ nói sẽ an toàn vì đại dương rất lớn nên chất này sẽ bị pha loãng, nhưng điều đó tạo ra một tiền lệ có thể bị sao chép, khi bất cứ ai cũng được cho phép đổ chất thải hạt nhân xuống biển của chúng ta", Aileen Mioko-Smith thành viên tổ chức Green Action Nhật Bản cho biết.
Quá trình làm sạch sau thảm họa Fukushima được ước tính tiêu tốn khoảng 20 tỷ USD./.