Vào đầu tháng 7, cùng với số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở Indonesia tăng cao kỷ lục, số lượng vật nuôi bị bỏ rơi ngày một nhiều, 5 tình nguyện viên trong nhóm bảo vệ động vật Indonesia đã mở trạm thú y cung cấp dịch vụ miễn phí cho những vật nuôi bị bỏ rơi trong đại dịch.
Anh Doni Herdaru Tona, sáng lập viên nhóm bảo vệ động vật Indonesia luôn trăn trở khi thấy nhiều vật nuôi bị bỏ rơi do trong đại dịch. Sau khi tìm hiểu nhiều tài liệu, nhận thấy thú nuôi không phải là vật thể truyền virus mà chỉ bị nhiễm virus từ người, anh Doni đã quyết định cứu giúp những con vật này. Mỗi ngày, nhóm của Doni nhận được hàng chục cuộc gọi yêu cầu trợ giúp cứu hộ vật nuôi bị mắc COVID-19 hoặc chủ nhân không còn khả năng chăm sóc thú cưng do đại dịch. Chỉ với 5 thành viên làm trực luân phiên và chỉ có duy nhất một phương tiện cứu hộ, nhóm của Doni phải đưa ra thang điểm ưu tiên.
Mức độ khẩn cấp cao nhất là khi chủ sở hữu vật nuôi không còn khả năng chăm sóc thú cưng do bệnh tình trở nên tồi tệ và phải nhập viện ngay lập tức. Anh Doni cho biết, thậm chí trong một số trường hợp cấp bách, nhóm đến và đã phát hiện chủ nhân đã chết do COVID-19, còn vật nuôi trong nhà thì không có ai chăm sóc. Trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, các tình nguyện viên lập tức lên đường đón vật nuôi, đưa đi khám sức khỏe sàng lọc và đưa về trạm để tắm rửa và cho ăn. Cảnh sát địa phương cũng nhiều lần tìm đến sự hỗ trợ của nhóm bảo vệ động vật Indonesia khi thú cưng vây quanh khiến công tác sơ tán các thi thể nạn nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà trở nên khó khăn.
Không chỉ giúp chăm sóc thú nuôi cho đến khi chủ nhân khỏe mạnh trở lại, nhóm của anh Doni còn nhận chăm sóc thú nuôi mắc COVID-19 bị bỏ rơi và sơ tán xác thú nuôi chết do COVID-19. Một điều đặc biệt là tất cả các dịch vụ này đều miễn phí để giảm gánh nặng cho những nạn nhân của dịch COVID-19. Cho đến thời điểm hiện tại, do nguồn lực có hạn, nhóm bảo vệ động vật Indonesia chỉ nhận bảo hộ chó và mèo.
Nhóm bảo vệ động vật Indonesia phải đối mặt với nhiều sự kỳ thị vì tiếp xúc với nguồn lây nhiễm virus. Mặc dù không nhận được trợ giúp từ chính phủ song sự ủng hộ từ cộng đồng yêu thú cưng, của gia đình, bạn bè cho chương trình tình nguyện vì động vật mắc COVID-19 đã giúp nhóm có thêm động lực để tiếp tục chương trình. Nhiều người đã gửi tặng bộ đồ bảo hộ cá nhân, chất khử trùng, đồ ăn cho tình nguyện viên và cả cho thú cưng. Nhìn thấy thú cưng khỏe mạnh trở lại, có thể đoàn tụ với gia đình, nhóm yêu động vật của anh Doni lại có thêm nghị lực để tiếp tục hoạt động có ý nghĩa, đóng góp cho xã hội trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Nhóm bảo vệ động vật Indonesia thành lập năm 2011 với hoạt động chính là cứu hộ động vật bị mắc kẹt.
Trước đó, theo thông tin từ văn phòng Thống đốc Jakarta, hai chú hổ tên tên Hari (12 tuổi) và Tino (9 tuổi) đã mắc COVID-19 sau khi xuất hiện các triệu chứng tương tự như COVID-19 như cúm, mệt mỏi và khó thở. Hiện vẫn chưa rõ nguồn lây bệnh vì kể từ 15/6, vườn thú hoang dã Ragunan của thủ đô Jakarta đã đóng cửa khi thành phố áp dụng giới hạn xã hội.
Ban quản lý vườn thú Ragunan đã tiến hành xét nghiệm cho các nhân viên và các con thú khác để truy vết. Hai chú hổ Sumatra có nguy cơ tuyệt chủng ở Indonesia hiện đã bắt đầu hồi phục sau quá trình cách ly và chăm sóc y tế. Đây là những trường hợp dương tính đầu tiên với động vật hoang dã ở Indonesia.
Hổ Sumatra là loài hổ duy nhất còn lại ở Indonesia với 600 con. Hai loại hổ khác có ở nước này là hổ Java và hổ Bali đã tuyệt chủng. Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19, với hơn 3,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 94.000 trường hợp đã tử vong./.